Với khung thời gian eo hẹp, đây có thể xem là một vụ đánh cược lớn nhất trong sự nghiệp của ông.
Ngay từ đầu, lo ngại về hậu cần đã là một trong những nội dung then chốt trong công tác chuẩn bị và lên kế hoạch cho cuộc gặp, từ việc quyết định địa điểm, cho tới giải quyết những quan ngại của Triều Tiên về việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể đi từ Triều Tiên tới Singapore một cách an toàn.
Các quan chức cấp cao tại Nhà Trắng cho biết các cuộc thảo luận kéo dài suốt một tuần giữa ông Hagin và giới chức Triều Tiên đóng vai trò then chốt, dẫn tới tuyên bố đầy tự tin hôm 1/6 của Tổng thống Trump rằng “Chúng tôi sẽ gặp nhau vào ngày 12/6 tại Singapore”.
Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết ông Hagin cơ bản đã hoàn tất các vấn đề hậu cần cho hội nghị, và đã có cuộc gặp cuối cùng với những người đồng cấp Triều Tiên.
Những đồng nghiệp cũ của ông Hagin cho biết ông là người phù hợp nhất với trọng trách tổ chức cuộc gặp đặc biệt với một nhà lãnh đạo độc tài của Triều Tiên chỉ trong vài tuần.
Cựu Giám đốc Sở Mật vụ W. Ralph Basam nói: “Ông ấy là người giỏi nhất… Nếu mọi chuyện khả thi thì Joe Hagin chính là người sẽ hiện thực hóa chúng”.
Joe Hagin và một nhóm các quan chức Nhà Trắng đã rà soát các phòng hội nghị, các khách sạn và nhiều tòa nhà công quyền tại Singapore trong suốt tuần qua để tìm kiếm địa điểm phù hợp cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, đồng thời tìm cách giải quyết các khúc mắc với những người đồng cấp Triều Tiên.
Josh Bolten, cựu Chánh Văn phòng Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Bush, nói: “Thông thường với những sự kiện kiểu này, người ta cần tới vài tháng để chuẩn bị. Mọi chuyện khó có thể diễn ra suôn sẻ như kỳ vọng, song sự hiện diện của Joe khiến tôi cảm thấy tin tưởng hơn”.
Các cuộc thảo luận về hậu cần đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và báo chí. Ông Hagin, người vốn quen với việc thực hiện nhiệm vụ của mình một cách lặng lẽ, thường xuyên bị báo giới bao vây mỗi khi ông rời khỏi khách sạn. Không dưới một lần các nhà đàm phán đã thay đổi địa điểm gặp gỡ vào phút chót để tránh sự nhòm ngó của báo chí.
Các cuộc gặp diễn ra với tốc độ cực kỳ chậm và cực kỳ thận trọng. Một nguồn thạo tin cho biết giới chức Triều Tiên đặc biệt “nhạy cảm với các mệnh lệnh” và đội ngũ của ông Hagin đã hết sức cố gắng trình bày các ý tưởng dành cho hội nghị với thái độ thiện chí và hợp tác nhất.
Giới chức Triều Tiên cũng cần có sự đồng thuận từ lãnh đạo cấp cao tại Bình Nhưỡng đối với mọi chi tiết, bởi vậy phải mất từ 1-2 ngày để hai bên có thể đạt thỏa thuận về những chi tiết hậu cần dù là nhỏ nhất.
Trong khi đó, trái lại, Nhà Trắng lại cho phép ông Hagin có quyền quyết định những lựa chọn tốt nhất để tổ chức hội nghị, kể cả địa điểm diễn ra. Thực tế này phản ánh uy tín và quyền lực mà ông Hagin có tại Nhà Trắng suốt nhiều năm qua.
Là Phó Chánh Văn phòng Nhà Trắng, phụ trách các hoạt động tổ chức, ông Hagin giám sát hầu hết các hoạt động hậu cần và nhân sự của Nhà Trắng. Joe Hagin cũng tham gia nhiều hoạt động chính sách đối ngoại nhạy cảm của chính quyền.
Ông đã có mặt trong phái đoàn tháp tùng Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng hồi đầu tháng 5 vừa qua để đảm bảo việc Triều Tiên trả tự do cho 3 con tin người Mỹ.
Sự hiện diện của ông trong hàng ngũ quan chức cấp cao Nhà Trắng đã giúp nhiều đồng sự, và thậm chí là cả các thành viên đảng Dân chủ vốn lo ngại về số phận của nước Mỹ sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền, cảm thấy an tâm hơn.
Hai quan chức giấu tên cho biết, ông Hagin thường giữ kín và tránh tiết lộ với Tổng thống Trump những chi tiết hậu cần nhạy cảm về nhiều cuộc gặp, trong đó có cả chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago hồi năm ngoái, do lo ngại Tổng thống sẽ đưa ra các bình luận trên trang Twitter cá nhân và làm đảo lộn các kế hoạch.