Nhà Trắng đã đề nghị với Israel về một tiến trình hòa đàm Trung Đông mới với hy vọng thuyết phục Tổng thống Palestine từ bỏ kế hoạch yêu cầu LHQ công nhận độc lập.
 
Nhằm ngăn chặn kế hoạch của Palestine yêu cầu LHQ công nhận Palestine là quốc gia độc lập tại phiên họp Đại hội đồng LHQ ngày 20/9 tới, Israel và Mỹ đang thực hiện những nỗ lực ngoại giao cuối cùng. Tuy nhiên, rất nhiều nhà ngoại giao quốc tế nhận định rằng những nỗ lực này đã quá muộn.

768315_small_66049.jpg
 Tổng thống Palestine Mahmud Abbas khẳng định sẽ không từ bỏ nỗ lực
trở thành thành viên đầy đủ của LHQ

Ngày 5/9, Thủ tướng Israel Netanyahu một lần nữa kêu gọi Palestine tiến hành đàm phán trực tiếp. Ông Netanyahu cũng không quên cảnh báo những nỗ lực nhằm gia nhập LHQ của Palestine có thể đẩy lùi tiến trình hòa bình. “Người Palestine muốn tránh những cuộc đàm phán trực tiếp bằng cách đi đường vòng, đó là tìm cách đi vào LHQ. Sẽ không có nỗ lực nào thúc đẩy tiến trình hòa bình. Tôi nghĩ rằng đây là một cách đẩy lùi hòa bình và đưa tình hình quay trở lại quá khứ. Đây là lý do tại sao tôi kêu gọi Tổng thống Abbas nối lại đàm phán trực tiếp ngay bây giờ và không bất kỳ điều kiện tiên quyết nào” – ông Netanyahu nói.
 
Cùng lúc, chính quyền Mỹ đang thực hiện nỗ lực ngoại giao cuối cùng nhằm ngăn chặn kế hoạch của Palestine. Theo đó, Nhà Trắng đã đề nghị với Israel về một tiến trình hòa đàm Trung Đông mới với hy vọng thuyết phục Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas từ bỏ kế hoạch yêu cầu LHQ công nhận độc lập.
 
Cuối tháng qua, Bộ Ngoại giao Mỹ còn gửi một thông điệp ngoại giao chính thức đến hơn 70 nước hối thúc chính phủ những quốc gia này phản đối bất kỳ động thái đơn phương nào của Palestine tại LHQ. Mỹ lập luận rằng một cuộc bỏ phiếu sẽ làm mất ổn định khu vực và làm suy yếu các nỗ lực hòa bình, cho dù các nỗ lực này đang hấp hối.
 
Chính quyền Tổng thống Mỹ Obama cũng đe dọa sẽ dùng quyền phủ quyết của mình bác bỏ mọi nỗ lực giành độc lập mà không thông qua đối thoại với Israel của Palestine. Tuy nhiên, tờ New York Times dẫn lời một số chuyên gia cho hay Mỹ không có đủ sự ủng hộ để ngăn chặn điều này.
 
Theo một số nhà phân tích, nguyên nhân sâu xa khiến Palestine quyết tâm theo đuổi mục tiêu gia nhập LHQ chính là do nước này và Israel không tìm được tiếng nói chung chính là ở các khu định cư của người Do Thái ở khu Bờ Tây và đòi hỏi của Israel về đường biên giới mới với Palestine, chứ không phải đường biên giới trước cuộc chiến tranh năm 1967. Vấn đề này đã được bàn trong hàng trăm cuộc thương lượng nhưng bất thành.
 
Trong khi đó, phía Palestine vẫn không ngừng nghỉ các nỗ lực nhằm được gia nhập LHQ. Một quan chức cấp cao của Palestine, bà Hanan Ashrawi cho biết, Palestine đang tập trung cho cuộc vận động này bất chấp sức ép của Mỹ. Bà Hanan Ashrawi cho biết: “Chúng tôi vẫn đang thảo luận với tất cả bạn bè của chúng tôi gồm thế giới A rập, Liên minh châu Âu, Châu Á và phần còn lại của thế giới về việc ủng hộ Palestine làm thành viên của LHQ. Điều này sẽ mang lại cho Palestine cơ hội tham gia các tổ chức quốc tế và luật pháp quốc tế. Chúng tôi sẽ đòi lại được các vùng đất bị chiếm đóng của kẻ cư ngụ bất hợp pháp là Israel”.
 
Thái độ kiên quyết của Palestine cho thấy họ không còn tin tưởng vào vai trò trung gian hòa giải của Mỹ trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Nếu Palestine được LHQ công nhận quy chế độc lập mà không dựa vào sự ủng hộ của Mỹ thì đây là một đòn giáng mạnh không chỉ vào uy tín nước Mỹ nói chung mà còn nhằm vào đương kim Tổng thống Obama. Hiện đã có hơn 140 nước ủng hộ Nhà nước Palestine độc lập.


Theo VOV