Hai năm sau khi Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Israel ký một Biên bản Ghi nhớ (MoU) về gói hỗ trợ quân sự kéo dài 10 năm, thỏa thuận này đã bắt đầu có hiệu lực hôm 1/10 vừa qua.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh gói viện trợ trên nhằm mục đích bảo vệ Israel trước “các kẻ thù tiềm tàng trong khu vực”, nhưng trước tiên là đối phó với “các nhóm khủng bố do chính quyền Iran hậu thuẫn”.
Trên tài khoản Twitter hôm 2/10, ông Nentanyahu viết: “Israel và thế giới đang đối mặt với các thách thức an ninh phức tạp, trước tiên là hành động gây hấn của Iran. Sự ủng hộ kiên định của Mỹ đối với quyền tự vệ của Israel là một trong những trụ cột trong mối quan hệ mạnh mẽ giữa hai nước”.
Theo các điều khoản của thỏa thuận - được nêu trong Đạo luật Ủy quyền Hỗ trợ An ninh Mỹ -Israel năm 2018, Israel sẽ nhận được khoản tài trợ hàng năm trị giá 3,3 tỷ USD và 500 triệu USD cho các chương trình hợp tác phòng thủ tên lửa.
Cụ thể, Mỹ đã cho phép chuyển tới Israel "các loại vũ khí cần thiết để Israel chống lại mối đe dọa của tên lửa một cách kịp thời". Động thái này cũng mở rộng kho dự trữ vũ khí của Mỹ ở Israel và Washington có thể sử dụng khi chiến tranh xảy ra.
Thủ tướng Netanyahu và chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, khác với chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Obama, liên tục cảnh báo về mối hiểm họa từ Iran. Israel đặc biệt ủng hộ quyết định của ông Trump trong việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.
Trong khi đó, những quốc gia tham gia ký kết khác như Nga và Trung Quốc cho rằng hành động này có thể đe dọa an ninh khu vực và thế giới./.