Toan tính thực sự của Mỹ ở Syria
Phát biểu tại bữa tối trong lễ kỷ niệm thường niên lần thứ 36 của Viện Do Thái về An ninh Quốc gia Mỹ tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã khẳng định "đánh bại IS từng là mục tiêu chủ yếu của chúng tôi và đây vẫn tiếp tục là ưu tiên hàng đầu nhưng hiện giờ chúng tôi bổ sung thêm 2 mục tiêu khác nữa. Đó là tìm kiếm một giải pháp chính trị và hòa bình cho cuộc xung đột Syria cũng như khiến các lực lượng của Iran phải rút khỏi đây".
Mỹ và Israel đã cáo buộc Tehran tăng cường ảnh hưởng lên Syria bằng cách ủng hộ lực lượng dân quân Hồi giáo dòng Shiite cũng như hỗ trợ Tổng thống Assad chống lại khủng bố. Ông Pompeo cảnh báo thêm rằng Mỹ không có ý định tài trợ cho quá trình tái thiết Syria cho đến khi Iran rút quân.
Cháy đường ống dẫn dầu ở Nigeria
Vụ hỏa hoạn xảy ra vào tối 12/10 tại thị trấn Aba, miền Đông Nam Nigeria khi các đối tượng lấy trộm dầu đã đục đường ống dẫn do Công ty Tiếp thị sản phẩm và đường ống của nhà nước vận hành, để lấy trộm dầu. Người phát ngôn Công ty Dầu khí quốc gia Nigeria (NNPC), Ndu Ughamadu cho biết ngọn lửa đã bùng phát dọc đường ống dẫn dầu từ cảng Harcout tới kho chứa Aba gần đó.
Tới ngày 13/10, giới chức Nigeria cho biết số người thiệt mạng đã lên tới ít nhất 30 người. Nhiều người khác bị thương và đang được điều trị tại nhiều bệnh viện ở trong và ngoài thị trấn Aba. Các nạn nhân là những đối tượng lấy trộm dầu. Các vụ trộm dầu và phá hoạt đường ống dẫn dầu xảy ra thường xuyên ở miền Nam Nigeria - trung tâm khai thác dầu của nước sản xuất dầu thô lớn nhất châu Phi này.
Tuần hành phản đối phân biệt chủng tộc ở Đức
Ngày 13/10, hàng nghìn người dân thủ đô Berlin của Đức đã xuống đường tuần hành phản đối nạn phân biệt chủng tộc trong nước. Tham gia tuần hành có nhiều nhóm cộng đồng dân cư, những người ủng hộ người nhập cư, các tổ chức Hồi giáo... với các khẩu hiệu kêu gọi sự đoàn kết thay vì một xã hội cởi mở và tự do. Trong số những người xuống đường trong sự kiện này có Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, người coi cuộc tuần hành là "dấu hiện lớn" về việc "đa số người dân Đức ủng hộ sự khoan dung và cởi mở".
Cuộc tuần hành diễn ra trong bối cảnh uy tín của chính phủ do Thủ tướng Đức Angela Merkel lãnh đạo đang suy giảm do người dân không hài lòng với chính sách nhập cư, đặc biệt sau các cuộc biểu tình bạo lực do phe cực hữu tiến hành tại thành phố Chemnitz, miền Đông nước Đức, nơi xảy ra vụ sát hại bằng dao nhằm vào một công dân Đức và vụ việc này đã châm ngòi dẫn tới các cuộc tấn công theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
IS bắt cóc hàng trăm người trong một trại tạm trú ở Đông Syria
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria ngày 13/10 cho biết, hàng trăm người đã bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt cóc từ một trại tạm trú ở miền Đông Syria, trong một cuộc phản công của lực lượng thánh chiến nhằm vào các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn đang thắng thế.
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, các phần tử IS đã tấn công trại này hôm 12/10, bắt "hơn 100 gia đình," trong đó có người thân của những người đào ngũ khỏi IS hay các phần tử thánh chiến thiệt mạng do giao tranh. Một số tay súng nhóm Các lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd đứng đầu đã thiệt mạng khi tìm cách bảo vệ trại này trong cuộc giao tranh kéo dài vài giờ đồng hồ
Mỹ cân nhắc giải pháp mới nhằm ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp
Giới chức Chính phủ Mỹ cho biết Nhà Trắng đang cân nhắc những giải pháp mới ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ, trong đó bao gồm khả năng chia tách các gia đình nhập cư tại biên giới giữa Mỹ và Mexico.
Các nguồn tin trên cho biết một giải pháp được cân nhắc là cho lựa chọn, theo đó, các gia đình xin tị nạn bị giam giữ cùng nhau tối đa 20 ngày, sau đó cha mẹ sẽ được lựa chọn hoặc cả gia đình sẽ ở cùng nhau trong khu giam giữ nhiều tháng, có thể nhiều năm, cho tới khi được giải quyết tị nạn, hoặc chấp nhận cho con của họ đến các trại tị nạn của chính phủ để người thân hoặc người giám hộ nhận làm con nuôi.
Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia tranh cãi nảy lửa về vụ nhà báo Khashoggi
Căng thẳng trong quan hệ ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Abrabia vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Ngày 12/10, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này có bằng chứng là đoạn băng hình kèm âm thanh cho thấy nhà báo người Saudi Arabia Jamal Khashoggi đã biến mất sau khi vào tòa nhà lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul và đã bị sát hại sau đó. Cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ có cả tài liệu về vụ sát hại. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ chưa công bố những bằng chứng này..
Đáp lại, Saudi Arabia đã kịch liệt bác bỏ cáo buộc, gọi đây là lời nói dối và là cáo buộc vô căn cứ. Saudi Arabia vẫn khẳng định, nhà báo Khashoggi đã rời lãnh sự quán Saudi Arabia và nước này mong muốn tìm ra sự thật đằng sau sự mất tích của nhà báo. Dư luận thế giới tiếp tục bày tỏ quan ngại về những tranh cãi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia và yêu cầu làm sáng tỏ vụ mất tích của nhà báo Khashoggi.
Ngày 13/10, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho đã đưa ra tuyên bố trên tại một sự kiện ở Bình Nhưỡng một ngày trước đó nhân kỷ niệm 70 năm Triều Tiên và Nga thiết lập quan hệ ngoại giao.
Bộ trưởng Ri Yong-ho nhấn mạnh mục tiêu của Bình Nhưỡng là một Bán đảo Triều Tiên không có vũ khí và các mối đe dọa hạt nhân. Ông bày tỏ hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ có các bước đi tin tưởng phù hợp với những chuyển động tích cực của ban lãnh đạo Triều Tiên.
Indonesia lại xảy ra động đất
Sáng 13/10, các địa điểm Manado, Bitung và Bắc Minahasa ở tỉnh Bắc Sulawesi của Indonesia đã rung chuyển trong một trận động đất có cường độ 5,2. Thông báo của Cơ quan Khí tượng, khí hậu và địa vật lý Indonesia (BMKG) cho biết tâm chấn của trận động đất ở độ sâu 97 km, cách Bitung khoảng 38 km về phía Đông Nam. Đây là một trong những thành phố lớn của Bắc Sulawesi.
BMKG thông báo trận động đất không có khả năng gây sóng thần và sau 3 giờ kể từ khi trận động đất xảy ra đã không có bất kỳ hoạt động dư chấn nào. Hiện chưa có báo cáo về thiệt hại về người và vật chất trong trận động đất này.