Đồng bệnh tương lân
5 tàu chở dầu của Iran đang nối tiếp nhau trên đường đến Venezuela, mang theo ít nhất 45,5 triệu USD xăng dầu và các sản phẩm khác. Số dầu này dự kiến có thể bù đắp sự thiếu hụt cho Venezuela trong vòng 50 ngày tới đây. Cần nhắc lại, Venezuela hiện đang lâm vào tình trạng thiếu hụt xăng dầu trên diện rộng, do việc sản xuất nguyên liệu trong nước bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Trong đó, cấm nhập khẩu các chất pha loãng quan trọng cũng như các phụ tùng cần thiết để thực hiện quá trình lọc tinh, sản xuất ra dầu thành phẩm của nước này. Kể từ năm 2017, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhắm mục tiêu vào Venezuela với các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề, bao gồm lệnh cấm vận dầu mỏ để ngăn chặn các nguồn xuất, nhập khẩu nguyên, nhiên liệu đến quốc gia Caribe này. Những tháng gần đây, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã áp dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với 2 chi nhánh của công ty năng lượng khổng lồ Rosneft của Nga - đơn vị đã mua tới hơn 60% sản lượng dầu thô của Venezuela.
Sau sự rút lui của Rosneft, Iran đã xuất hiện, bắt đầu bước vào lộ trình cung cấp nhiên liệu cũng như hỗ trợ kỹ thuật để phục hồi nhà máy lọc dầu lớn nhất của Venezuela. Nhà máy này vốn đã phải dừng hoạt động từ năm ngoái vào giai đoạn đất nước Venezuela mất điện trên diện rộng. Tất nhiên, bản thân Iran cũng đang trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” với Mỹ, khi hai bên liên tục cảnh báo và chỉ trích lẫn nhau về mọi mặt. Đáng chú ý nhất, không chỉ gia tăng hiện diện các lực lượng hải quân ở Vịnh Ba Tư và cảnh cáo tiêu diệt bất cứ tàu hải quân nào tiếp cận gần tàu chiến Mỹ, hải quân Mỹ mới đây còn triển khai hàng loạt tàu chiến đến vùng biển Caribe, gồm: Tàu U.S.S.Detroit, Lassen, Preble và Farragut nhằm chặn bắt các tàu chở dầu của Iran. Chưa hết, chính quyền Tổng thống Trump cũng đe dọa Iran về hành lang hàng không kỹ thuật của nước này đối với Venezuela, kêu gọi các nước khác đình chỉ quyền lợi quá mức của Iran.
Thế nhưng, đáp lại các động thái răn đe, cảnh báo của Mỹ lại là quyết tâm “làm bằng được” của cả Iran và Venezueala. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 23/5 thông báo, lực lượng vũ trang nước này đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực đảo La Orchila ở phía Bắc và tiến hành tập trận nhằm bảo vệ các tàu chở dầu của Iran. Cùng ngày, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng đã đưa ra cảnh báo về những biện pháp trả đũa nhằm vào Mỹ, nếu Washington cản trở các tàu chở nhiên liệu của Iran tới Venezuela. Ai cũng hiểu, trước một cuộc khủng hoảng kép gồm giá dầu sụt giảm và các lệnh trừng phạt của Mỹ, cả Iran và Venezuela đang bằng mọi giá để tìm đến với nhau! Nếu như với Venezuela, đó là nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu, tránh nguy cơ khủng khoảng và cạn kiệt nhiên liệu thì với Iran, đó sẽ là các thỏa thuận trong tương lai với Venezuela, góp phần bù đắp nguồn thu nhập cho nước này. Quan trọng nữa, đó còn là mục tiêu đối đầu với một “kẻ thù chung” là Mỹ!
Khi nào Mỹ hết kiên nhẫn?
Giương vây và phô trương lực lượng khiến dư luận nín thở theo dõi, thế nhưng, trái với các dự đoán, chuyến tàu chở dầu đầu tiên của Iran có tên Fortune đã tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Venezuela mà không gặp bất cứ trở ngại nào từ các tàu chiến tuần tra của Mỹ. Không có va chạm, xung đột hay bất cứ vụ bắt bớ nào. Dư luận đặt câu hỏi, liệu có phải tàu hải quân và máy bay Venezuela hộ tống tàu chở dầu của Iran đã khiến Mỹ phải “chùn bước”? Câu trả lời có lẽ vừa đúng - vừa chưa đúng! Là bởi, Hạm đội 4 của Mỹ phụ trách khu vực biển Caribe và phía Nam Đại Tây Dương dù có năng lực quân sự khá hạn chế, bao gồm các tàu khu trục và tàu tuần tra ven bờ, làm nhiệm vụ chủ yếu liên quan đến ma túy nhưng vẫn đủ sức chiến đấu với lực lượng của cả Iran và Venezuela. Nhưng dù có như vậy, có vẻ như Mỹ đã chọn cách “lờ” chuyến đi của tàu Iran đến Venezuela.
Đặt trong trường hợp Mỹ có bất cứ sự động binh nào đối với tàu Iran, chắc chắn xung đột nóng bỏng sẽ xảy ra. Không chỉ lực lượng Iran, Venezuela mà cả Mỹ sẽ bị ảnh hưởng lớn. Hạm đội của Mỹ nằm trong khu vực không phải sân nhà ít nhiều cũng sẽ bị tổn hại. Đó là chưa kể, Tehran với loạt tuyên bố cứng rắn sẽ chẳng ngần ngại tiếp thêm quân số, lực lượng để đấu với Mỹ cùng sự hỗ trợ của Venezuela. Cũng cần nhớ đến một tiền lệ khác khi Iran từng bắt giữ 1 tàu chở dầu mang cờ của Anh ở Vùng Vịnh vào năm ngoái, sau khi các lực lượng Anh bắt giữ 1 tàu chở dầu của Iran trước đó. Đây có lẽ là lý do mà chính quyền Mỹ có phần lưỡng lự khi tàu chở dầu đầu tiên của Iran tiến vào vùng biển của Venezuela.
Hơn ai hết, Tổng thống Donald Trump hiểu rằng, tránh xung đột với bất cứ đối tượng nào ở bất cứ đâu là ưu tiên hàng đầu hiện nay của chính quyền Mỹ. Đại dịch Covid-19, cuộc bầu cử Tổng thống và quan hệ với Trung Quốc mới là những trọng tâm của ông Trump hiện nay. Nhưng ông Trump cũng hiểu, “ngó lơ” cái bắt tay Iran - Venezuela chẳng khác nào thể hiện Washington đang bất lực. Hơn nữa, quyết định này cũng không hề làm hài lòng các chính trị gia cứng rắn trong nội bộ nước Mỹ luôn muốn cứng rắn hơn với Iran.
Vì thế giới quan sát cho rằng, các chuyến tàu chở dầu của Iran hỗ trợ cho Venezuela chính là phép thử sự kiên nhẫn và thái độ của chính quyền Tổng thống Trump đối với mối quan hệ đang dần thân thiết của 2 quốc gia này. Khó động binh và cũng chẳng thể ngó lơ cho qua, có lẽ Tổng thống Mỹ sẽ lại chọn một giải pháp thường thấy mà có tính an toàn hơn nhiều. Đó là tiếp tục các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung nhằm vào Iran và Venezuela, khi các chuyến tàu chở dầu đã “trót lọt”. Chỉ có điều, dù có trừng phạt nhiều hơn nữa thì có lẽ Mỹ cũng sẽ khó có thể cản bước những kẻ “đã chẳng còn đường lùi”!