(Baonghean.vn) - Căng thẳng giữa Iran và Arab Saudi xung quanh vụ giẫm đạp tại Thánh địa Mecca lại gia tăng thêm một nấc mới khi Iran cho biết sẽ kiện chính phủ Arab Saudi do không thể đảm bảo an toàn cho những người hành hương trong Lễ Haji ở Mecca. Động thái này cho thấy sự cố mang tính tôn giáo là lễ hội hành hương đang có nguy cơ bị chính trị hóa, nhất là khi quan hệ giữa Iran và Arab Saudi vốn có nhiều sóng gió từ trước đến nay.

Đến hẹn lại lên

Mùa hành hương Haji hàng năm là một nghi lễ đặc biệt quan trọng với tín đồ Hồi giáo - thời điểm mà hàng triệu người Hồi giáo đổ dồn về Thánh địa Mecca của Arab Saudi để cầu nguyện và tham dự các nghi lễ tập thể. Giới chức Arab Saudi luôn cảm nhận rõ áp lực trong việc đảm bảo an ninh cũng như cung cáp các dịch vụ hậu cần trong những dịp hành hương này.

Biểu tình phản đối Arab Saudi tại Iran.

Bởi vậy, trước mùa hành hương năm nay, Arab Saudi cho biết đã chuẩn bị một kế hoạch kỹ lưỡng, huy động tổng lực để có thể đón tiếp hàng chục triệu tín đồ Hồi giáo. Tại Mecca, chính quyền tỉnh đã huy động các nguồn lực để có thể đón tiếp khoảng 25 triệu lượt người hành hương, với hai trung tâm y tế đặt tại Nhà thờ lớn và 36 cơ sở chăm sóc y tế khác trên toàn khu vực Mecca. Các nhân viên an ninh cũng được huấn luyện và trang bị đầy đủ để giải quyết mọi tình huống khẩn cấp. Đặc biệt, chính quyền Mecca có phương án phân luồng giao thông từ xa nhằm tránh ùn tắc.

Nhưng bất chấp sự chuẩn bị của Arab Saudi nói chung và của Mecca nói riêng, kịch bản lễ hành hương năm nay lại “bổn cũ soạn lại” - giống như 6 thảm họa giẫm đạp nhau trong những lần diễn ra lễ hành hương ở Thánh địa Mecca trong vòng 25 năm qua.  

Theo thống kê của Bộ Y tế Arab Saudi, tổng cộng đã có 769 người thiệt mạng và 934 người bị thương. Thế nhưng nhiều nguồn tin cho rằng, số người thiệt mạng ít nhất là khoảng 2.000 người, và thậm chí còn cao hơn nhiều bởi vẫn còn rất nhiều người hiện nay vẫn mất tích.

Theo Quốc vương Arab Saudi - Salman bin Abdulazia al Saud, năm nay, ước tính có khoảng 3 triệu người đổ về Mecca. Mật độ người đông gây ra tình trạng quá tải, cộng thêm sự hỗn loạn và tình trạng mệt mỏi của những người hành hương sau một hành trình dài có thể là nguyên nhân của thảm họa giẫm đạp lần này.

Trong khi đó, các nhân chứng kể rằng vụ giẫm đạp xảy ra khi đang diễn ra nghi lễ “ném đá quỷ dữ”. Hai nhóm người hành hương lớn cùng đổ về một giao lộ ở phố 204 và phố 223 để hướng về bức tường đá được bao quanh bởi các cột trụ. Và sự cố bắt đầu khi một đám đông người hành hương bất chợt nhận ra mình đang di chuyển đan xen vào một đám đông di chuyển theo hướng khác.

Không chỉ là vấn đề tôn giáo

Sau vụ giẫm đạp kinh hoàng, Arab Saudi đang là tâm điểm hứng chịu nhiều chỉ trích. Ông Khaled al-Falih - Bộ trưởng Y tế Arab Saudi có phát biểu rằng chính những người hành hương là nguyên nhân gây ra thảm họa khi không tuân thủ những quy định của lễ hành hương Haji.

Tuy nhiên, phần đông dư luận vẫn cho rằng không thể đổ lỗi cho người hành hương, mà trách nhiệm phần lớn phải thuộc về nhà chức trách. Dẫu biết việc kiểm soát đám đông hàng triệu người không phải đơn giản, nhưng rõ ràng Arab Saudi đã không lường hết các phương án cho sự kiện lớn này. Hơn nữa, việc để lặp đi lặp lại thảm họa giẫm đạp là không thể bao biện.

Một trong những quốc gia đang chỉ trích Arab Saudi kịch liệt nhất là Iran. Iran cho rằng Arab Saudi đã vi phạm nguyên tắc an toàn khi đóng cửa 2 tuyến đường dẫn đến khu vực có bức tường đá - nơi diễn ra nghi lễ ném đá, đồng thời đặt nghi vấn về việc liệu Arab Saudi có thích hợp để tiếp tục tổ chức lễ này hàng năm hay không.

Iran cũng cho rằng Arab Saudi đã không hợp tác đầy đủ trong việc tìm kiếm những người mất tích và chuyển giao những người thiệt mạng và bị thương, vì vậy Iran đã ba lần triệu Đại biện lâm thời Arab Saudi để yêu cầu hợp tác.

Lãnh đạo Tinh thần Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei còn yêu cầu chính quyền Arab Saudi phải xin lỗi công khai khi để thảm họa giẫm đạp xảy ra. Đỉnh điểm của căng thẳng là việc Iran cho biết sẽ kiện Chính phủ Arab Saudi thông qua các hành động pháp lý và cơ chế trong khuôn khổ luật pháp quốc tế do không thể đảm bảo an toàn cho những người hành hương Iran trong Lễ Haji. Nnhững chỉ trích gay gắt vẫn khiến chính quyền Arab Saudi “nóng mặt” và cho rằng Iran đang chính trị hóa tình huống này.

Với con số 239 người Iran đã thiệt mạng và 248 người mất tích, dư luận cho rằng Iran có lý do để “làm căng” với Arab Saudi. Thế nhưng, câu hỏi liệu Iran có đang “chính trị hóa” thảm họa tại Thánh địa Mecca cũng không phải là không có cơ sở. Từ trước đến nay, quan hệ giữa Iran và Arab Saudi luôn trong tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt”, xuất phát từ mâu thuẫn trong quan niệm tôn giáo cũng như cách tiếp cận trong nhiều vấn đề quốc tế. Về tôn giáo, đa số người dân Iran theo Hồi giáo dòng Shiite, trong khi Arab Saudi lại theo Hồi giáo dòng Sunni. Chính sự khác nhau giữa hai chi phái lớn nhất trong Hồi giáo khiến Iran và Arab Saudi luôn đứng về hai phía trong các vấn đề của khu vực như cuộc khủng hoảng tại Syria hay tại Yemen.

Không những vậy, Iran và Arab Saudi cũng được xem là có sự tranh chấp quyết liệt để giành ảnh hưởng về chính trị và kinh tế ở Trung Đông. Bởi thế, nếu có thể sử dụng một sự kiện tôn giáo để hạ thấp uy tín của đối phương trên vũ đài chính trị là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Tất nhiên, chưa ai khẳng định dụng ý thật sự của Iran đằng sau những tuyên bố cứng rắn nhằm vào Arab Saudi là gì, nhưng rõ ràng thảm họa giẫm đạp tại Mecca lại càng khắc sâu hình ảnh “hai ông Táo trong lò lửa Trung Đông” của Iran và Arab Saudi./.

Thúy Ngọc

TIN LIÊN QUAN