Sau cuộc họp ngày 25/5 tại thủ đô Vienna, Áo, giữa Iran và các quốc gia tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân, gồm Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh, Đức, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi cho biết các cuộc đàm phán vẫn tiếp diễn với những bên ký kết còn lại "để xem liệu họ có thể cung cấp cho chúng tôi một gói lợi ích nếu Mỹ tăng cường trừng phạt hay không", AFPđưa tin.
Araghchi nói Iran yêu cầu "các giải pháp thiết thực" để giải quyết những lo ngại của quốc gia này đối với việc xuất khẩu dầu mỏ, lưu thông ngân hàng và đầu tư nước ngoài. "Bước tiếp theo là tìm cách đảm bảo gói lợi ích", ông cho hay.
Theo Thứ trưởng Iran, các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục trong vài tuần tới, "đặc biệt ở cấp độ chuyên gia", sau đó Iran mới quyết định có ở lại hiệp định hay không.
"Chúng tôi hiểu châu Âu, Nga và Trung Quốc đều nghiêm túc và họ đều thừa nhận rằng sự tồn tại của thỏa thuận hạt nhân phụ thuộc vào việc những lợi ích của Iran được tôn trọng", ông nhấn mạnh.
Một quan chức cấp cao Liên minh châu Âu (EU) cho biết sau cuộc họp, khối không thể "đưa ra những đảm bảo nhưng có thể tạo điều kiện cần thiết để Iran duy trì lợi ích theo thỏa thuận hạt nhân đã ký kết, bảo vệ lợi ích của chính chúng tôi và tiếp tục phát triển kinh doanh hợp pháp với Iran".
"Chúng tôi đang tìm kiếm nhiều giải pháp để giảm thiểu hậu quả từ việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận", quan chức giấu tên nói, cảnh báo rằng "có những thứ sẽ mất nhiều thời gian hơn".
Đại diện Nga Mikhail Ulyanov tỏ ra lạc quan khi tuyên bố các bên có mọi cơ hội để thành công, miễn là duy trì ý chí chính trị. "Tôi phải nói rằng thỏa thuận hạt nhân Iran là một tài sản quốc tế lớn, nó không thuộc về Mỹ mà thuộc về toàn bộ cộng đồng quốc tế", ông nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 8/5 tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, vốn được ký dưới thời tổng thống Barack Obama. Trum cho rằng thỏa thuận này không đủ mạnh để xóa bỏ tham vọng hạt nhân của Iran. Đáp lại, Tehran đe dọa sẽ khởi động lại chương trình làm giàu urani ở mức "công nghiệp" nếu hiệp định được ký kết năm 2015 sụp đổ.