Trang Al-Masdar New vừa có bài viết nói về vai trò của mạng lưới tác chiến điện tử (EW) Iran trong vụ bắt sống MQ-9 vừa qua. Bài viết cho rằng, nếu tuyên bố của Tehran về vụ việc này được Mỹ xác nhận thì những thiết bị nào trong biên chế lực lượng vũ trang Iran đã lập nên chiến công?
Theo thông tin mới nhất, Iran tự phát triển 3 hệ thống EW khác nhau, bao gồm một hệ thống tác chiến điện tử, một hệ thống mô phỏng tín hiệu radar RST và một hệ thống gây nhiễu tín hiệu vệ tinh.
Tất cả các thiết bị này đều được phát triển bởi các kỹ sư Iran Farzad Ismaili, người chỉ huy căn cứ quân sự Khatam-ol-Anbiya cho biết, tác chiến điện tử là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất đối với hệ thống phòng thủ của Iran.
Nguồn tin này cho biết thêm, cùng với những hệ thống tự phát triển, Nga đã chuyển giao cho Iran một hệ thống tác chiến điện tử di động 1L222 Avtobaza. Đây là một hệ thống gây nhiễu tự động trên nhiều loại tín hiệu phát xạ khác nhau.
1L222 Avtobaza có tầm hoạt động tối đa là 150km, độ cao tối đa là 30km, hệ thống có khả năng dò tìm tín hiệu trong dải tần từ 8-17.5Mhz. Hệ thống có khả năng quản lý trên 60 mục tiêu.
Mặc dù vậy, việc hệ thống 1L222 Avtobaza có thể ép MQ-9 hạ cánh vẫn đặt ra dấu hỏi lớn chưa có lời đáp dù hệ thống này rất tối tân. Hệ thống này có khả năng gây nhiễu tín hiệu vệ tinh, mô phỏng tín hiệu của các loại sóng radar từ trạm điều khiển mặt đất, gây nhiễu loạn hệ thống điều khiển và dẫn đường của đối phương.
Ngoài ra, hệ thống còn có khả năng chống lại các hệ thống tác chiến điện tử của đối phương, đảm bảo cho các khí tài của lực lượng vũ trang Iran hoạt động tốt trong môi trường tác chiến điện tử mạnh.
Hệ thống này cũng được triển khai trên một số tàu chiến của Hải quân Iran nhằm nâng cao sức mạnh chiến đấu và phòng thủ. Thông số kỹ thuật của các hệ thống này hầu như không được công bố, điều đó khiến năng lực của hệ thống này trở thanh một ẩn số lớn.
Nếu nhìn vào số trang bị khí tài cho nhiệm vụ tác chiến điện tử mà Iran đang sở hữu, việc ép MQ-9 và trước đây là RQ-170 hạ cánh bằng tác chiến điện tử xem chừng là điều không dễ dàng.
Trong chiến tranh Iraq 2003, Quân đội của chế độ Sadam Hussien sử dụng khá nhiều thiết bị gây nhiễu GPS làm chệch hướng nhiều tên lửa của Mỹ. Tuy nhiên, đối với một UAV cao cấp như MQ-9, gây nhiễu là một công việc khó khăn.
Bởi theo công bố của nhà sản xuất Lockheed Martin, những chiếc UAV này được thiết kế để hoạt động ở hai chế độ khác nhau, hoặc được điều khiển bằng tay từ trạm mặt đất, hoặc chế độ tự động. Ngoài ra, việc dò tìm tần số điều khiển của hệ thống UAV không hề đơn giản, các trường truyền tín hiệu an toàn của Mỹ luôn được mã hóa để tăng cường bảo mật.
Dù hệ thống 1L222 Avtobaza có thể không phải là thủ phạm thực sự ép MQ-9 hạ cánh nhưng sự thật là Iran đã có trong tay chiếc máy bay tấn công không người lái hạng nặng MQ-9 của Mỹ. Và chỉ với thông tin này đã đủ cho thấy, lực lượng UAV Mỹ đang tồn tại lỗ hổng lớn trước sức mạnh của vũ khí công nghệ cao Iran.