Hôm 19/2 vừa qua, Đại giáo chủ Khamenei tuyên bố: “Trong chính sách đối ngoại, ưu tiên hàng đầu của chúng ta ngày nay bao gồm việc ưu tiên phương Đông so với phương Tây”.

Giới phân tích nhận định điều này không thay đổi ý tưởng cơ bản rằng Iran bác bỏ việc nước này bị rơi vào vòng xoáy của các cường quốc bên ngoài. Tuy nhiên, nỗ lực mới nhất nhằm xoa dịu căng thẳng với Mỹ - được thể hiện thông qua thỏa thuận hạt nhân được ký giữa Iran với các cường quốc P5+1 hồi năm 2015- đang dần thu hẹp lại.

anh_18675699_2622018.jpgTổng thống Nga Vladimir Putin và Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei. Ảnh: AP

 Bà Ellie Geranmayeh thuộc Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại cho hay: “Đại giáo chủ Khamenei liên tiếp tuyên bố thỏa thuận hạt nhân năm 2015 là một phép thử để xem liệu các cuộc thương lượng với phương Tây có thể đem lại kết quả tích cực cho Iran hay không. Ban lãnh đạo nhận thấy Mỹ đang hành động một cách gian trá đối với thỏa thuận này. Tuyên bố của ông Khamenei chứng tỏ Tehran đang bật đèn xanh để hệ thống Iran tập trung nỗ lực ngoại giao lớn hơn nữa nhằm thắt chặt quan hệ với Trung Quốc và Nga”. 

Tuyên bố của Đại giáo chủ Khamenei được đưa ra vào thời điểm then chốt, khi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt, trừ khi Iran nhất trí kiềm chế chương trình tên lửa của nước này cũng như chấm dứt “các hoạt động gây bất ổn” tại Trung Đông.

Một cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ tại thủ đô Tehran (Iran) hồi tháng 1 vừa qua. Ảnh: AP
Ông Mohammad Marandi, nhà phân tích chính trị tại Đại học Tehran nhận xét: “Ngay từ những ngày đầu, chính quyền của cựu Tổng thống Obama đã bắt đầu vi phạm thỏa thuận này, về cả chữ lẫn ý”.

Chuyên gia này nhận định tuyên bố mới nhất của ông Khamenei cho thấy một thực tế đơn giản là mối quan hệ giữa Iran với các quốc gia phương Đông đã mạnh lên rất nhiều, đặc biệt kể từ khi Tehran và Moskva liên minh trong cuộc chiến tại Syria.

Ông nêu rõ: “Hiện nay thế giới đã rất khác. Mối quan hệ giữa Iran với Nga và Trung Quốc và nhiều nước châu Á đã tốt hơn nhiều so với các nước phương Tây bởi họ đối xử với chúng tôi tốt hơn. Chúng tôi là đối tác với Nga tại Syria, mà không phải thuộc cấp”.

Tuy nhiên, chuyên gia Geranmayeh cho rằng: “Vào những thời điểm nhất định kể từ cuộc cách mạng 1979, Iran đã có bước đi thực tiễn trong mối quan hệ với Mỹ trong trường hợp cần thiết hoặc nằm trong lợi ích của nước này”.