Bắt đầu từ hôm nay, Mỹ sẽ liệt hơn 700 cá nhân và thực thể vào danh sách trừng phạt liên quan đến Iran, đồng thời phát đi cảnh báo tới mạng kết nối ngân hàng toàn cầu (SWIFT) về nguy cơ đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ nếu cung cấp dịch vụ cho các thực thể Iran có tên trong danh sách đen của Washington.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ lần này nhằm vào các lĩnh vực năng lượng, đóng tàu, vận tải và ngân hàng, thể hiện rõ ý định của Mỹ trong việc “siết chặt” nền kinh tế của Iran trên mọi mặt trận. Để phòng ngừa khả năng “lách luật” của của các công ty, Mỹ còn đưa ra các biện pháp trừng phạt thứ cấp, theo đó các công ty cũng sẽ chịu lệnh trừng phạt nếu làm ăn với một công ty có hoạt động kinh doanh với Iran.
Không thể phủ nhận, các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt trở lại với Iran sẽ tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo này. Cho dù nền kinh tế của Iran không trực tiếp phụ thuộc vào hệ thống tài chính của Mỹ, nhưng hầu hết các đối tác thương mại lớn nhất của Iran thì có, và không phải đối tác nào cũng dám chấp nhận rủi ro khi thách thức Mỹ để tiếp tục làm ăn với Iran.
Chưa có các lệnh trừng phạt, nền kinh tế của Iran cũng đã gặp không ít khó khăn khi đồng nội tệ mất giá tới hơn 2/3 trong vòng một năm qua. Tình hình chắc chắn sẽ tồi tệ hơn khi lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào những lĩnh vực vốn được coi là “huyết mạch” của nền kinh tế, nhất là dầu mỏ. Với các viễn cảnh không mấy sáng sủa như xuất khẩu và đầu tư giảm, lạm phát gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp cao, mức tiêu dùng suy giảm, hãng xếp hạng tài chính Fitch dự đoán kinh tế Iran sẽ suy giảm mạnh trong năm 2018 này với tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 1,8% trước khi suy thoái vào năm sau.
Thế nhưng, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tỏ ra khá bình thản. Đơn giản, đây không phải lần đầu tiên Iran phải “sống chung” các lệnh trừng phạt của Mỹ. So với quãng thời gian gần 40 năm Mỹ liên tục tìm cách “o bế” nền kinh tế Iran xuất phát từ cuộc khủng hoảng con tin năm 1979, gần 3 năm Iran thoát khỏi các lệnh trừng phạt chưa phải là thời gian đủ dài để có thể thay đổi căn bản hệ thống kinh tế của quốc gia Hồi giáo này.
Tất nhiên, kinh tế Iran đã từng khởi sắc hơn rất nhiều, được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng để chào đón các công ty nước ngoài trong gần 3 năm qua.
Song điều đó không có nghĩa Iran không thể thích nghi nếu phải quay trở lại “vòng kiềm tỏa” mà chính Mỹ từng tạo ra trước đó. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng nhận định rằng, “không có gì mới xảy ra sau ngày 4/11”, đồng thời cho biết Iran đã có các kế hoạch đối phó với chính sách cô lập Iran của Mỹ. Iran đã tuyên bố, dù sản lượng xuất khẩu dầu mỏ có thể giảm sút, song Iran sẽ tìm mọi cách để duy trì con số này ở mức tối thiểu 1 triệu thùng/ngày.
Một tuần trước khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ bắt đầu có hiệu lực, Iran đã áp dụng thực hiện thương mại điện tử trong việc bán dầu. Lợi thế của việc giao dịch qua sàn điện tử trong điều kiện bị áp đặt lệnh trừng phạt là khách hàng có thể mua dầu qua môi giới trung gian mà không phải là mua trực tiếp từ Công ty dầu quốc gia Iran (NIOC). Ngoài ra, Iran cũng bắt đầu bán dầu cho các đối tác tư nhân, cung cấp các điều kiện thuận lợi cho các đối tác và lưu trữ dầu trên các tàu chở dầu trên biển.
Giới phân tích cũng nhận định rằng, dù xuất khẩu của Iran sẽ bị ảnh hưởng, nhưng Iran và các đối tác kinh doanh còn lại sẽ hết sức nỗ lực để duy trì hoạt động giao dịch. Với 40 năm kinh nghiệm “sống chung” với các lệnh trừng phạt, Iran sẽ tìm ra được nhiều cách để xuất khẩu dầu, chưa kể việc “hướng về phía Đông” để tạo ra các liên kết mới với Nga và Trung Quốc.
“Lá chắn” vững chắc
Bên cạnh khả năng tự thích nghi của Iran, các lệnh trừng phạt của Mỹ - nếu muốn làm suy kiệt nền kinh tế Iran - còn phải vượt qua một lớp “lá chắn bảo vệ” khá vững chắc. Đây là điều đã được dự báo trước, bởi từ khi Washington đơn phương tuyên bố từ bỏ thỏa thuận Iran, các đối tác khác gồm Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc sẽ bảo vệ thỏa thuận này đến cùng.
Đây không chỉ là bảo vệ những thỏa thuận trên giấy, mà còn phải đảm bảo Iran có thể đứng vững trước các lệnh trừng phạt của Mỹ - yếu tố tiên quyết để Iran tiếp tục cùng các đối tác còn lại duy trì bản thỏa thuận vốn có tính biểu tượng rất cao này.
Cho đến nay, các quốc gia lên tiếng bênh vực Iran quyết liệt nhất chính là những nước là đồng minh của Mỹ thuộc Liên minh châu Âu - khác hẳn với việc các nước này từng phối hợp chặt chẽ với chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trong việc trừng phạt Iran.
Khi Iran xuất khẩu dầu sang một nước trong EU, công ty từ nước tiếp nhận sẽ trả tiền cho SPV. Sau đó, Iran có thể sử dụng khoản thanh toán này làm tín dụng để mua hàng hóa từ các nước khác trong EU thông qua SPV. Phía châu Âu xác nhận cơ chế thanh toán đặc biệt này sẽ chính thức ra mắt trong một vài ngày tới. Ngoài ra, EU cũng kích hoạt động đạo luật nhằm ngăn chặn các công ty châu Âu tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran. Theo đó, EU cảnh báo có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt với các công ty ngừng kinh doanh với Iran theo lệnh cấm của Mỹ.
Trong khi đó, Nga cũng khẳng định sẽ tiếp tục mua dầu của Iran với lý do các lệnh trừng phạt đơn phương không có sự thông qua của Liên hợp quốc là bất hợp pháp. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak còn cho biết, theo một thỏa thuận ký kết giữa Nga và Iran hồi năm 2014, Nga có thể giúp bán dầu của Iran cho một nước thứ ba.
Trong tuần tới này, Nga cũng sẽ công bố có tăng sản lượng dầu mua của Iran hay không sau khi phân tích các tác động của lệnh trừng phạt. Ngoài ra, trong số 8 quốc gia được Mỹ miễn thực hiện lệnh trừng phạt có những khách hàng lớn của Iran như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Italia, Nhật Bản…, và điều này sẽ góp phần giúp mục tiêu “duy trì tối thiểu lượng dầu xuất khẩu 1 triệu thùng/ngày” của Iran.
Theo giới phân tích, có hai yếu tố để Iran tin tưởng vào “lá chắn bảo vệ” đã được Nga, Trung Quốc và các nước châu Âu thiết lập. Thứ nhất, về phía Mỹ, nước này sẽ không liều lĩnh hủy hoại các mối quan hệ chính trị với các đối tác còn lại trong thỏa thuận hạt nhân Iran, nhất là với các đồng minh bởi Mỹ sẽ không thể “đơn thương độc mã” giải quyết các “điểm nóng” khác nếu không có các quốc gia này.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng đã tiết lộ, dù muốn ngăn cản Iran xuất khẩu dầu, song Mỹ sẽ không “làm tổn hại đến bạn bè và đồng minh đang phụ thuộc vào nguồn cung cấp này”. Thứ hai, về phía EU, Nga và Trung Quốc, việc đầu tư cả về tài chính và chính trị để bảo vệ Iran sẽ là cách để chứng minh sự độc lập của các cường quốc trước các chính sách của Mỹ.