Liệu pháp huyết tương dựa trên một khái niệm y học có tên gọi "miễn dịch thụ động". Những người đã khỏi một bệnh nhiễm trùng thường phát triển kháng thể, lưu thông trong máu, có khả năng bất hoạt mầm bệnh. Truyền huyết tương - dịch lỏng còn lại sau khi các tế bào máu được lọc ra - có thể làm tăng phản ứng chống lại virus ở người, giúp hệ thống miễn dịch trở nên mạnh mẽ hơn. Phương pháp này từng được sử dụng để điều trị bệnh bại liệt, sởi, quai bị và cúm.
Arturo Casadevall, Chủ tịch khoa vi sinh và miễn dịch học tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, cho biết: "Máu của những người đã hồi phục (Covid-19) có thể rất hữu dụng. Liệu pháp đã có trong lịch sử 120 năm của y khoa và nó khá nổi tiếng".
Ông Casadevall hy vọng đây có thể là biện pháp ngắn hạn để hỗ trợ cho hệ thống y tế đang chịu áp lực nặng nề như số bệnh nhân gia tăng nhanh chóng và chưa có thuốc hay vaccine được phê duyệt.
Song ông cùng các đồng nghiệp cũng đối mặt với những thách thức lớn về quy định, công tác hậu cần và khoa học để ứng dụng.
Các nhà nghiên cứu phải thu thập huyết tương của người đã hồi phục, sau đó kiểm tra và xác định xem chúng có khả năng chống lại virus hay không. Cuối cùng truyền cho bệnh nhân.
Nhiều chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đang chia sẻ thông tin qua các mạng lưới cơ sở, hỗ trợ lẫn nhau để tiến hành thử nghiệm lâm sàng, bàn luận các ý tưởng về sàng lọc huyết tương cho kháng thể chống virus.
Hôm 24/3, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết đang cố gắng tạo điều kiện để người bệnh tiếp cận với điều trị thử nghiệm. Cơ quan nhấn mạnh việc đảm bảo tính an toàn và hiệu quả. Thống đốc New York Andrew M. Cuomo cũng tuyên bố bang của ông sẽ bắt đầu áp dụng liệu pháp huyết tương ở những bệnh nhân Covid-19. Hệ thống Y tế Mount Sinai có kết hoạch truyền huyết tương giàu kháng thể từ người đã hồi phục cho các ca bệnh nặng.
"Chúng tôi luôn cố gắng thử các phương pháp mới và đột phá nhất. Cách làm truyền thống cũng hiệu quả, song lại hay bị phớt lờ", Jeffrey P. Henderson, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Washington, một trong những người tham gia vào dự án cho biết.
Để thử nghiệm liệu pháp này, các chuyên gia cần phát triển xét nghiệm đo mức kháng thể. Sau đó sử dụng chúng để xác định huyết tương từ người hiến tặng có đủ khả năng hỗ trợ các bệnh nhân khác chống chọi virus hay không. Tiếp theo, họ cung cấp huyết tương cho bệnh nhân, đánh giá độ hiệu quả thông qua hàng loạt thử nghiệm lâm sàng khác. Huyết tương phải đáp ứng điều kiện an toàn và không chứa mầm bệnh, bao gồm nCoV và các bệnh truyền qua đường máu khác.
Theo ông Casadevall, liệu pháp có thể điều trị cho những người đã mắc Covid-19 hoặc sử dụng như cách phòng ngừa dành cho nhân viên y tế - những người có nguy cơ phơi nhiễm cao vì tiếp xúc với virus nhiều lần.
"Nếu thực hiện đúng cách và thu thập đủ huyết tương từ người từng nhiễm bệnh, bạn sẽ có các kháng thể để bảo vệ những người khác", Wayne A. Marasco, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Ung thư Dana-Farber ở Boston cho biết.
Cách tiếp cận của từng cơ sở y tế có thể khác nhau. Nhiều bệnh viện đang chạy đua để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng, chấp nhận những người đáp ứng một số tiêu chí cụ thể. FDA cũng bắt đầu tìm kiếm các "bệnh nhân khẩn cấp" - những người mắc bệnh nghiêm trọng, để tiến hành điều trị nhân đạo.
Song vẫn có nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ. Một trong số đó là đơn vị nào sẽ chi trả cho các thử nghiệm này.
Hôm 27/3, bang Maryland và Bloomberg Philanthropies, tổ chức từ thiện có trụ sở tại New York tuyên bố sẽ đồng tài trợ 4 triệu USD để hỗ trợ các nhà khoa học.
Nghiên cứu về liệu pháp huyết tương chỉ là một phần nỗ lực sâu rộng của giới chuyên gia trong công cuộc điều trị Covid-19 dựa trên phản ứng miễn dịch tự nhiên của con người. Về lâu dài, ông Wayne A. Marasco và các đồng nghiệp có kế hoạch phát triển loại thuốc có nguồn gốc từ kháng thể chống lại virus.
"Không ai coi huyết tương là giải pháp dài hạn. Đây là cách điều trị thay thế trong khi chờ đợi thuốc và vaccine", Van Bloch, phó giáo sư bệnh lý tại Hopkins nhận định.