Hy vọng mới ở Phá Đáy

(Baonghean) - Con đường nhựa quanh co men theo những núi đá dựng đứng đưa chúng tôi đến với Phá Đáy (Châu Bính - Quỳ Châu). Có đường, Phá Đáy đã thoát khỏi thế cô lập bao đời nay, con em trong bản được học con chữ, người dân đã biết trồng mía, trồng sắn và chăn nuôi đại gia súc để cải thiện cuộc sống. Hy vọng thoát nghèo của bà con nơi đây đang nhen nhóm từng ngày...

Cách đây hơn 10 năm, Phá Đáy là một thung lũng biệt lập với bên ngoài, vẻn vẹn có 11 hộ ghép chung với bản Bính Thọ. Muốn vào Phá Đáy phải men theo lối mòn của những dãy núi đá vôi lởm chởm. Mùa mưa, thung lũng Phá Đáy chìm sâu trong nước. Cách trở về giao thông lại thêm thái độ kỳ thị của mọi người về bệnh phong nên Phá Đáy càng trở nên cách biệt, trẻ con chẳng được học hành, dân bản chủ yếu sản xuất tự cung, tự cấp. Ông Đậu Ngọc Long, Bí thư Chi bộ Phá Đáy vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại quãng thời gian khốn khó ấy: “Ngày trước, để đến được với người dân trong này phải lặn lội đi bộ, mất cả buổi đường. Nắng ráo còn đỡ, trời mưa nước từ núi cao đổ về, không thể ra ngoài được. Vậy nhưng, nắng hạn là cỏ cây chết khô, chết khát, nước sinh hoạt của người dân chủ yếu nhờ vào con suối nhỏ...”.

Tháng 1/2010, bản Phá Đáy chính thức được thành lập với 31 hộ, trên 130 nhân khẩu. Điều đáng mừng là vào năm 2011, hưởng lợi từ Dự án 229 của Bộ Quốc phòng, Phá Đáy đã  được đầu tư 11 tỷ đồng làm đường nhựa vào bản với chiều dài gần 5 km. Và cuối năm 2012, đập chứa nước Na Cao với mức kinh phí trên 10 tỷ đồng được khởi công xây dựng. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để bà con dân bản ổn định đời sống phát triển kinh tế. Đặc biệt, chi bộ bản được thành lập, Đảng ủy xã phân công cán bộ tăng cường về cắm bản, các tổ chức đoàn thể khác được thành lập, phối hợp trong chỉ đạo bà con phát triển kinh tế.

Là bản đặc thù nên huyện cũng như xã dành nhiều “ưu tiên” cho Phá Đáy: xây dựng các mô hình kinh tế; tổ chức tập huấn theo kiểu “cầm tay chỉ việc” cho người dân trong canh tác; ưu tiên vật tư, giống từ các chương trình dự án; cho người dân vay phân bón trả chậm; thu hút các doanh nghiệp liên kết với nông dân... Nhờ đó, đến nay, ngoài khai hoang làm lúa rẫy, dân bản Phá Đáy đã biết trồng lúa nước; trồng hoa màu theo hướng hàng hóa. Và vụ xuân năm nay, 100% hộ dân bắt đầu trồng mía nguyên liệu. Đến nay, toàn bản khai hoang được gần 4ha lúa nước, lương thực cơ bản tự túc được; trồng được gần 24ha mía nguyên liệu và phấn đấu hết năm 2013, sẽ phủ kín diện tích được giao.

Bí thư Chi bộ bản Phá Đáy, ông Đậu Ngọc Long (ngoài cùng bên phải) trao đổi kinh nghiệm sản xuất với bà con.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà được hỗ trợ theo Chương trình 167 của Chính phủ, Trưởng bản Lữ Văn Thiết phấn khởi: “Phá Đáy hôm nay không bị cô lập như trước nữa. Có đường, đi lại thuận tiện, bà con dân bản đã biết sản xuất theo hướng hàng hóa, trồng rau màu, sắn, ngô để bán cho tư thương, trồng cây mía nguyên liệu bán cho nhà máy đường... Rồi đây, khi đập nước Na Cao hoàn thành đưa vào sử dụng, khô hạn sẽ được giải quyết, năng suất cây trồng sẽ nâng cao. Chỉ nay mai thôi, bà con Phá Đáy sẽ thoát nghèo...”.

Nếu như những năm 2003 về trước, Phá Đáy chỉ có lớp xoá mù cho vài học sinh bậc tiểu học, cả bản không có xe máy, đời sống còn rất nhiều khó khăn, cái đói, cái nghèo là nỗi lo thường trực, nhất là những “ngày ba tháng tám” thì đến nay 100% con em trong độ tuổi được đi học, năm học 2012-2013 này Phá Đáy đã có 6 cháu học ở bậc trung học cơ sở và 3 cháu học trung học phổ thông; 6 hộ có xe máy. Nhà nhà đều có vườn rau xanh cải thiện bữa ăn, trồng ngô để chăn nuôi và bán ra thị trường. Nhà nào cũng có đàn gà, vịt tăng thêm thu nhập...

Tuy nhiên, đến nay, 100% hộ dân ở Phá Đáy vẫn thuộc diện hộ nghèo, bà con dân bản vẫn chưa chủ động vươn lên; điện lưới vẫn chưa được kéo vào bản nên sinh hoạt của người dân gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, đất rừng chưa được giao khoán đến tận hộ nên các gia đình chưa yên tâm sản xuất.

Mới tầm giữa chiều nhưng đường vào Phá Đáy đã mờ sương, hai bên đường núi đá nối tiếp nhau. Màu xanh của mía đã phủ kín những triền đồi. No ấm đang dần hiện hữu nơi đây...

Duy Nam

Tin mới