Hiệu quả sản xuất tại Cụm Công nghiệp Nghĩa Long

Công ty cổ phần Viethome stone VHS thuộc Tập đoàn Nhật Huy là một trong những doanh nghiệp sớm đầu tư xây dựng nhà máy, tổ chức sản xuất ở Cụm Công nghiệp Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn. Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2019, có giai đoạn công ty thu hút 350 lao động làm việc, nhưng giai đoạn dịch Covid-19, vì nhiều lý do, công ty này phải dừng sản xuất, đứng bên bờ vực phá sản.

Đồng chí Phạm Chí Kiên - Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn (thứ 2 bên trái), thăm Nhà máy sản xuất đá xuất khẩu Viethome Stone ở Cụm Công nghiệp Nghĩa Long. Ảnh: Nguyên Nguyên

Đứng trước khó khăn đó, cùng với quyết tâm hỗ trợ của Tập đoàn Nhật Huy và đồng hành của cấp ủy, chính quyền huyện Nghĩa Đàn, Công ty cổ phần Viethome stone đã tái cơ cấu, đầu tư dây chuyền hiện đại, sản xuất mặt hàng đá ốp mỹ nghệ. Đến nay, sản phẩm công ty xuất khẩu đến thị trường nhiều nước châu Âu, đặc biệt là thị trường khó tính Mỹ.

Ông Trần Viết Hữu - Giám đốc Công ty cổ phần Viethome stone chia sẻ: "Có thời điểm, công ty sản xuất yếu kém, trong vòng hơn 1 năm, thay đổi 6 “đời” giám đốc. Khi tôi về nhận nhiệm vụ, mấy anh em ở xã còn đùa là nếu anh “trụ” được 1 năm thì mới lưu số điện thoại. Đến nay sau hơn 2 năm gắn bó với công ty và vùng đất này, chúng tôi từng bước khẳng định hiệu quả sản xuất, phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường các hoạt động an sinh xã hội. Hiện tại, công ty giải quyết việc làm cho 150 công nhân lao động, chủ yếu người địa phương, với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng".

Hoạt động tại Nhà máy sản xuất đá xuất khẩu Viethome stone ở Cụm Công nghiệp Nghĩa Long. Ảnh: Nguyên Nguyên

Đến nay Cụm Công nghiệp Nghĩa Long có 7 nhà máy đầu tư đi vào hoạt động và 1 doanh nghiệp đang hoàn tất các thủ tục về đất đai, xây dựng để đủ điều kiện khởi công. Tỷ lệ lấp đầy Cụm Công nghiệp đạt 80%.

Theo định hướng quy hoạch xây dựng vùng huyện Nghĩa Đàn và Quy hoạch tỉnh, Cụm Công nghiệp Nghĩa Long dự kiến mở rộng từ 37,5ha lên 75ha trong giai đoạn 2021 - 2025. Hiện, các nhà máy trong cụm công nghiệp giải quyết việc làm thường xuyên cho 847 lao động (chủ yếu lao động địa phương) với mức lương trung bình 6,5 - 8 triệu đồng/người/tháng và đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng năm trên 10 tỷ đồng.

Một góc Cụm Công nghiệp Nghĩa Long. Ảnh: Minh Thái

Việc thu hút đầu tư ngoài ngân sách được các cấp, ngành huyện Nghĩa Đàn chú trọng, đến nay, trên địa bàn huyện thu hút 14 dự án với tổng mức vốn đăng ký đầu tư là 2.190 tỷ đồng.

Lồng ghép nguồn lực xây dựng hạ tầng

Huyện Nghĩa Đàn tích cực huy động, lồng ghép các nguồn lực với hàng chục tỷ đồng đầu tư, từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, đáp ứng yêu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

Điển hình, tuyến đường cứu hộ vùng lũ, đảm bảo an ninh quốc phòng các xã từ Nghĩa Lâm đến Nghĩa Bình; Tuyến đường giao thông phục vụ phát triển kinh tế khu vực miền Tây Nghệ An đoạn từ trung tâm huyện Nghĩa Đàn đến đường Hồ Chí Minh; Đường giao thông liên xã Nghĩa Đức đi Nghĩa Hiếu, Nghĩa Hưng; Dự án nâng cấp tuyến đường vào vùng nguyên liệu của dự án CN bò sữa TH; Xây dựng cơ sở vật chất văn hóa huyện Nghĩa Đàn; Cải tạo, nâng cấp các hồ chứa nước Đức Trung xã Nghĩa Đức, kênh tưới tiêu xã Nghĩa Khánh…

Tuyến đường liên huyện từ Nghĩa Đàn đi thị xã Thái Hòa. Ảnh: Tư liệu

Cùng đó, các xã, thị trấn huy động các nguồn lực đổ bê tông các trục đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, thu hoạch và vận chuyển nông sản và phát triển dịch vụ, thương mại.

Xã Nghĩa Bình là đơn vị đầu tiên của huyện Nghĩa Đàn được tỉnh Nghệ An công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Đến năm 2022, Nghĩa Bình tiếp tục là xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đang hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Để đạt được kết quả đó, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân xã Nghĩa Bình tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất đa dạng, áp dụng các tiến bộ khoa học và đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, chăn nuôi an toàn sinh học...

Mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp ở HTX 1-5, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Đàn). Ảnh: Nguyên Nguyên

Đặc biệt, xã huy động các nguồn lực xây dựng hạ tầng kết nối thuận lợi, quy hoạch vùng vườn đồi với đường giao thông rộng được đổ bê tông phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp, sản xuất hàng hóa. Riêng giai đoạn 2020 - 2022, Nghĩa Bình huy động gần 79 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong đó, nhân dân đóng góp và xã hội hóa hơn 68 tỷ đồng.

Những kết quả thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đã tạo động lực lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn. Để tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư huyện Nghĩa Đàn giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo” và triển khai đến các cấp, ngành, địa phương.

Phong trào xây dựng nông thôn mới ở huyện Nghĩa Đàn. Ảnh tư liệu: Minh Thái

Việc ban hành đề án kèm theo danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2030 làm cơ sở cho việc định hướng thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu đầu tư tại Nghĩa Đàn. Huyện ủy cũng tăng cường chỉ đạo UBND, các ban, ngành, địa phương tích cực đồng hành, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư để sớm thực hiện các dự án, phát huy hiệu quả thiết thực.

Thị trấn Nghĩa Đàn. Ảnh tư liệu: Thành Cường