Tính đến ngày hôm nay (28/3), huyện
Quế Phong đã ghi nhận dịch bệnh tả lợn châu Phi tái phát tại 23 hộ chăn nuôi thuộc 4 xã:/Tiền Phong, Mường Nọc, Tri Lễ và Thông Thụ. Tổng số lợn đã phải tiêu hủy đến nay là 111 con, với 4.814kg.
Địa phương có lợn bị dịch nhiều nhất đến thời điểm này là xã Tiền Phong, với 70 con tại 16 hộ dân ở 5 bản: Mường Hin, Na Cày, Lâm Trường, bản Tạng và bản Đan.
Lực lượng chức năng thu gom lợn dịch trên địa bàn xã Tiền Phong đem đi tiêu hủy. Ảnh: PV Ông Võ Khánh Toàn - Bí thử Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết: Cách đây khoảng 2 tuần, trên địa bàn xã bắt đầu ghi nhận ca tái phát dịch tả lợn châu Phi đầu tiên, đến nay đã lan ra 5/12 bản.
Theo ông Toàn, hiện nay chính quyền địa phương đang tích cực khoanh vùng dập dịch, đặt 1 trạm chốt chặn ngay ngã ba Truông Bành - cửa ngõ vào địa phận huyện Quế Phong, nơi giáp ranh với huyện Quỳ Châu. Xã cũng đã sử dụng hơn 4 tấn vôi bột để rắc khử trùng, đồng thời phun thuốc khử khuẩn tại các nơi tái phát dịch.
Cấp vôi bột cho các địa phương để phòng dịch. Ảnh: PV Hiện tại, chính quyền địa phương xã Tiền Phong cũng đã quán triệt với các hộ dân không được buôn bán, vận chuyển lợn từ địa bàn xã ra bên ngoài và ngược lại. Đối với những thôn bản chưa bị dịch thì vận động nhân dân dùng vôi bột và các biện pháp sinh học khử trùng, dọn dẹp chuồng trại. Đồng thời, tuyên truyền nhân dân tăng cường thói quen khử khuẩn trước và sau khi đi vào khu vực chuồng trại chăn nuôi.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, UBND huyện Quế Phong cũng đã ra quyết định
công bố dịch tại các xã đã có dịch, nhằm đảm bảo kiểm soát không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Đồng thời cảnh báo đến các xã lân cận có biện pháp phòng chống hữu hiệu.
Lợn chết được cơ quan chức năng thu gom và tiêu hủy bằng cách chôn lấp ở xã Tri Lễ. Ảnh: PV Ông Nguyễn Bá Hiền - Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Quế Phong cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh huyện, hiện nay các địa phương và đơn vị liên quan đều đang tổ chức khoanh vùng dập dịch; luôn cử cán bộ túc trực để kịp thời xử lý. Khi nhận được tin báo có lợn bị dịch bệnh, lợn chết bất thường thì ngay lập tức kiểm tra, khử khuẩn.
Tuy nhiên, theo ông Hiền, do ở khu vực miền núi địa bàn phức tạp, chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, ý thức chăn nuôi và phòng dịch chưa cao, trong khi đó dịch tả lợn châu Phi có nguồn lây quá rộng, khó kiểm soát. Bên cạnh đó, người dân nôn nóng tái đàn nên đã mua các loại con giống không đảm bảo nguồn gốc, tiêm phòng đầy đủ về nuôi, dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh, lây bệnh chéo cho các con giống địa phương. Chưa kể do thói quen ham rẻ, người dân thường mua thịt lợn không rõ nguồn gốc về ăn. Khi có dịch bệnh cũng không báo lên chính quyền địa phương để kịp thời kiểm soát dịch mà lại đem lợn ra giết mổ, khiến cho tình hình dịch bệnh càng trở nên khó lường.