Ở xóm giáo Bắc Sơn, xã Long Thành ai cũng đều biết đến cơ ngơi khang trang trị giá gần 1 tỷ đồng của gia đình chị Phạm Thị Hợi vừa mới được xây dựng. 10 năm qua, ngoài làm 6 sào ruộng, tranh thủ thời gian nhàn rỗi, chị Hợi mở cơ sở chế biến lươn đồng.
Sản phẩm lươn đồng đã qua sơ chế của cơ sở đã được đưa đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành trong nước, cho nguồn thu ổn định.
Hiện nay, có nhiều hộ giáo dân của 3 xóm giáo Đông Sơn, Bắc Sơn và Nam Sơn, xã Long Thành tham gia làm nghề thu mua và sơ chế lươn cho thu nhập ổn định. Sản phẩm lươn đã qua chế biến ở đây khi thu mua là lươn sống, đánh bắt trên đồng ruộng.
Được biết, lươn đồng béo nhất vào thời điểm tháng 2, tháng 3, khi cây lúa ôm đòng trổ bông; vào mua thu từ tháng 8 đến tháng 9, "tuổi" lươn càng cao lươn càng béo...
Lươn sau khi rửa sạch cho vào nồi nước đã được đun sôi. Trong nước luộc cho thêm chút muối và nghệ để thịt lươn săn chắc và có màu vàng bắt mắt, đậm đà, thơm ngon; chỉ luộc trong khoảng thời gian từ 5 - 10 phút để lươn vừa chín tới. Sau đó đổ lươn ra tiếp tục rửa lại bằng nước đun sôi để nguội và tiến hành công đoạn sơ chế.
Cứ 1 kg lươn sống cho ra 0,7 kg lươn thành phẩm qua sơ chế. Trung bình mỗi ngày 1 cơ sở có thể sơ chế từ 200 - 400 kg lươn...
Người thạo nghề, một ngày có thể làm được 8 -10kg lươn thành phẩm, được chủ cơ sở trả công 200 ngàn đồng. Ban đầu chỉ có vài gia đình làm nghề, đến nay, vùng giáo của xã Long Thành đã có 30 hộ theo nghề, tạo việc làm cho 300 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 3 - 5 triệu đồng/ người/ tháng.
Ông Nguyễn Văn Đề - Phó Chủ tịch UBND xã Long Thành cho biết: Hiện nay, địa phương cũng đã có nhiều cơ chế hỗ trợ cho các hộ dân yên tâm phát triển nghề; xã phối hợp với các ngành liên quan mở nhiều đợt tập huấn cho người dân về kiến thức an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; đồng thời liên hệ với các cửa hàng ở những thành phố lớn bao tiêu sản phẩm cho người dân. Xã dự định thành lập làng nghề chế biến lươn đồng,phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Yên Thành là địa bàn trọng điểm nông nghiệp, nơi đây vừa là vựa lúa, vựa lươn của tỉnh; trung bình mỗi năm địa phương này đã cung cấp cho thị trường khoảng 900 tấn lươn thương phẩm.