(Baonghean) - Thực hiện công văn chỉ đạo của Tổng Cục đường bộ Việt Nam ngày 4/12/2014 về rà soát nhu cầu đầu tư xây dựng cầu dân sinh đảm bảo ATGT, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với UBND các huyện tiến hành rà soát nhu cầu xây dựng cầu dân sinh. Sau khi rà soát, UBND tỉnh đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam giúp tỉnh sớm triển khai thực hiện dự án xây dựng cầu dân sinh trên địa bàn với tổng số 419 cầu. Trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp, để hoàn thành số cầu dân sinh trên là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, rất cần chung tay góp sức của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. 

Hàng chục năm nay, người dân xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn vẫn thường qua lại trên chiếc cầu Khe Dợn với chiều rộng chưa đầy 1m được xây dựng từ năm 1987. Cây cầu này có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống, sản xuất của người dân ở 9 thôn của xã Hội Sơn. Điều đáng lo ngại là hiện cầu đã xuống cấp trầm trọng, hai bên lan can bằng thép hư hỏng nặng. Lòng cầu hẹp nên người dân đi xe máy qua lại gặp rất nhiều khó khăn, mất an toàn. Bà Lê Thị Hà - thôn 9, xã Hội Sơn phản ánh: “Người dân chúng tôi đi lại rất khó khăn, hàng ngày ra bãi sản xuất đều phải qua cầu Khe Dợn, khổ nhất là các cháu nhỏ đi học rất nguy hiểm. Mong mỏi của bà con có được cây cầu mới để đi lại an toàn, yên tâm sản xuất”. 

Cầu Khe Dợn, xã Hội Sơn (Anh Sơn) thiết kế quá hẹp.

Nằm trên tuyến đường ra bãi sông Lam, cách cầu Khe Dợn một đoạn đường chưa đầy 300m, cầu Khe Sừng cùng chung tình trạng, cầu được xây dựng thủ công với 4 tấm bê tông bắc trên 2 mố cầu. Sau nhiều năm sử dụng, mố cầu bị hư hỏng có nguy cơ sập về mùa mưa lũ. Điều đáng nói cả 2 cây cầu này đều nằm trên con đường “độc đạo” dẫn người dân ra vùng đất bãi 42ha của xã Hội Sơn sản xuất.

 Do giao thông cách trở nên xã Hội Sơn không thực hiện được chuyển đổi cơ cấu cây trồng mặc dù đã được huyện Anh Sơn giao chỉ tiêu chuyển đổi 40ha đất bãi từ trồng ngô chuyển sang trồng mía. Nhà máy đường đã đến khảo sát, tuy nhiên, do giao thông cách trở, 2 chiếc cầu Khe Dợn và Khe Sừng xuống cấp không thể vận chuyển nguyên liệu được nên địa phương không thể tiến hành trồng mía. “Mong muốn của người dân Hội Sơn là được Nhà nước, các đơn vị hỗ trợ đầu tư xây dựng cầu cứng để người dân thuận tiện trong việc sản xuất, phục vụ dân sinh, xã có điều kiện để khai thác, phát huy tiềm năng lợi vùng đất bãi. Đặc biệt là học sinh được đi lại an toàn”.- Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch UBND xã Hội Sơn chia sẻ.

Người dân bản Yên Hòa, xã Hoa Sơn (Anh Sơn) nằm cách trung tâm xã gần 8km, hàng ngày người dân vẫn đi qua khe suối bằng phương tiện “tự chế”, dùng tre ghép lại làm cầu để đi, hay ngồi trên trâu chở qua suối. Ông Lữ Văn Thanh - người dân bản Yên Hòa (Hội Sơn) cho biết: “Cầu Khe Sừng là phương tiện giao thông thiết yếu của người dân bản Yên Hòa đã bị lũ cuốn trôi năm 2012. Bản ở xa trung tâm, giao thông cách trở, về mùa mưa nước suối to, chảy xiết đi lại rất nguy hiểm, học sinh phải nghỉ học. Để có thể qua khe suối, người dân bắc cầu tre đi, rất nguy hiểm. Vì vậy, xã có công văn chỉ đạo nghiêm cấm người dân dùng cầu tre. Bà con mong muốn các cấp hỗ trợ đầu tư xây dựng cây cầu để tạo động lực cho bà con phát triển kinh tế - xã hội”. 

Không chỉ ở các địa phương miền núi, nằm trên tuyến đường huyết mạch Huyện lộ 533 nối liền các xã phía Bắc Thọ Thành - Mã Thành - Tiến Thành của huyện đồng bằng Yên Thành, cầu Chợ An và cầu Sông Đào (thuộc xã Mã Thành) được xây dựng từ những năm 1960 đang xuống cấp nghiêm trọng, lan can sắt hoen gỉ, nhiều mảng bê tông sập rơi xuống sông, đe dọa đến tính mạng của người dân. Đây là cây cầu liên xã, mỗi ngày có lưu lượng phương tiện qua lại tương đối đông, hàng ngày có hàng trăm chuyến xe chạy qua, nhất là xe tải trọng lớn lưu thông qua cầu. Nguy hiểm nhất là mùa lũ về, nước sông dâng lớn. Cầu xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng, có nguy cơ sập cao, đã từng gây thiệt hại tính mạng con người và hàng chục con trâu, bò. 

Hiện trên địa bàn xã Mã Thành đang thi công tuyến đường liên xã Thọ Thành - Mã Thành - Đức Thành; trong đó, đoạn qua xã Mã Thành có chiều dài 7,2km. Tuy nhiên, do cầu yếu nên việc chuyên chở vật liệu gặp nhiều khó khăn, làm cho giá nguyên, vật liệu ở đây thường cao hơn các địa phương khác. Do hệ thống giao thông xuống cấp, nên xã khó thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Ông Bùi Trọng Long - Chủ tịch UBND xã Mã Thành, huyện Yên Thành cho biết: “Mặc dù cầu Sông Đào và cầu Chợ An xuống cấp đã lâu nhưng đến nay chưa được sửa chữa, khắc phục. Do nguồn vốn quá lớn, địa phương không thể xoay xở được. Xã mong muốn Nhà nước, các doanh nghiệp hỗ trợ khắc phục đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân mỗi khi qua cầu”.

Trong thời gian qua, nhờ sự giúp đỡ, chỉ đạo kịp thời của Bộ GTVT và các cấp, các ngành liên quan, mạng lưới GTVT Nghệ An từng bước được cải thiện, thực sự góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, QP-AN. Tuy nhiên, việc đầu tư cho phát triển giao thông nông thôn của tỉnh còn nhiều khó khăn, bất cập nên chưa đáp ứng được yêu cầu đi lại của nhân dân. Đặc biệt các địa phương thuộc vùng dân tộc thiểu số. Có những khu vực chỉ vì cách một con suối, khúc sông, nhưng người dân phải đi vòng hàng chục cây số. Bên cạnh đó, nhiều cây cầu tồn tại từ rất lâu, đã cũ nát, xuống cấp nên đi lại không được an toàn. 

Theo ông Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc Sở GTVT Nghệ An cho biết: Trên địa bàn tỉnh có rất nhiều thôn, bản thiếu cầu, dẫn đến cảnh chia cắt, đi lại khó khăn. Hiện Sở rà soát, báo cáo Tổng cục Đường bộ nhu cầu đầu tư xây dựng cầu dân sinh thiết yếu trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Bộ GTVT phát động chương trình “Nhịp cầu yêu thương”, huy động quyên góp ủng hộ của doanh nghiệp, nhà hảo tâm đầu tư xây dựng cầu dân sinh. Chương trình có ý nghĩa và giàu tính nhân văn này đã lan tỏa ra các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước với khả năng của mình, nhiệt tình tham gia ủng hộ cùng Chính phủ, Bộ GTVT và tỉnh Nghệ An hoàn thành chương trình an sinh quan trọng này. Mỗi cây cầu hoàn thành sẽ có hàng nghìn người dân giảm bớt cảnh chia cắt, lưu thông an toàn. Đầu tư xây dựng cầu dân sinh để tạo điều kiện cho đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn có cuộc sống tốt hơn, rút dần khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi, góp phần xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững.

Thanh Lê