(Baonghean) - Trải qua 30 năm phấn đấu và trưởng thành, thị trấn Yên Thành nay đã hoàn toàn đổi mới, trở thành một thị trấn đạt chuẩn văn minh, đô thị.

images1571252_a5.jpgMột góc thị trấn yên Thành. Ảnh: Thu Hương

Thị trấn Yên Thành xưa thuộc địa phận hành chính của xã Hoa Thành, phân bố ở hai cụm dân cư: làng Trần Phú và làng Phúc Tăng. Làng Phúc Tăng được triều Nguyễn ban tặng câu đối: “Quan hóa – hóa quan – quan phượng lịch; Phúc Tăng - tăng Phúc - phúc long hồi”.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân làng Trần Phú và Phúc Tăng đã có công lớn, góp sức người, sức của phục vụ tiền tuyến; góp phần cùng cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ và Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trong các cuộc kháng chiến cứu nước, 72 người con của thị trấn đã anh dũng hy sinh; 87 chiến sỹ trở về thân thể không còn nguyên vẹn, mang trong mình những nỗi đau do hậu quả của chiến tranh để lại. Cả xã có 5 người được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; có 15 trường hợp bị nhiễm hoặc phơi nhiễm chất độc da cam đi-ô-xin, và biết bao tấm gương tiêu biểu khác đã cống hiến, hy sinh cho độc lập tự do của quê hương.
 
 
Mô hình nuôi chim bồ câu ở Thị trấn Yên Thành

Ngày 4/4/1986, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 37/HĐBT về việc thành lập và điều chỉnh đơn vị hành chính. Theo đó, thị trấn Yên Thành, thuộc huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ Tĩnh được thành lập. Ngay sau đó, vào ngày 6/6/1986, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Yên Thành đã phê duyệt nhân sự, cho ra mắt bộ máy hành chính để hoạt động. Thị trấn Yên Thành chính thức ra đời. 
 
Còn nhớ những buổi đầu mới thành lập, kinh tế thị trấn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cả thị trấn có tổng diện tích tự nhiên 224 ha; dân số 5.400 nhân khẩu, tập trung ở hai làng Trần Phú và Chòm Năm. Ngành nghề của người dân chủ yếu là làm nông nghiệp (chiếm trên 95%); kết cấu hạ tầng yếu kém; tỷ lệ hộ đói nghèo cao… Đứng trước hoàn cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn đã phát huy vai trò truyền thống cách mạng; đoàn kết thống nhất khắc phục khó khăn, vượt qua mọi thử thách; vận dụng đúng đắn đường lối đổi mới của Đảng; phát huy nội lực, khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương; tranh thủ sự giúp đỡ của cấp trên để cùng với cả nước bước vào thời kỳ đổi mới. 
Những năm gần đây thj trấn Yên Thành phát triển mạnh về dịch vụ thương mại.
 
 
Sau 30 năm xây dựng và phát triển, kinh tế - xã hội của thị trấn có những bước tiến bộ rõ rệt; tiềm năng, thế mạnh về đất đai, điều kiện, nguồn nhân lực được khơi dậy và phát huy hiệu quả. Thị trấn Yên Thành trở thành đơn vị phát triển khá toàn diện và năng động, với nhiều chỉ số, lĩnh vực vượt trội so với các địa bàn khác của huyện: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân giai đoạn 2010 - 2015  đạt 12,6%/ năm. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch mạnh mẽ và đúng hướng, nông nghiệp - thủy sản chỉ còn 14,5%; công nghiệp - xây dựng và dịch vụ - thương mại chiếm 86,5%.
 
Đã xây dựng và phát triển sản phẩm nông sản thương hiệu như: gạo thơm, gà sạch, nấm rơm, hoa tươi. Quy mô sản xuất tiểu thủ công nghiệp, xây dựng từng bước được tăng cường. Mở rộng nhiều cơ sở kinh doanh, thu hút nhiều lao động khai thác lợi thế trung tâm của huyện; hình thành các khu vực buôn bán tập trung; dịch vụ ngày càng đa dạng, góp phần hình thành mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế. Thị trấn đã huy động được 16 tỷ đồng xây dựng một số hạng mục hạ tầng; tiếp tục phát triển quỹ tín dụng nhân dân để mở rộng đầu tư, mở rộng kinh doanh... Thu nhập bình quân 22,25 triệu đồng/người/năm, gấp 10 lần so với năm 1986.
 
 
Mồ hình trồng hoa, cây cảnh khối 3 thị trấn Yên Thành
Trong suốt chiều dài 30 năm, thị trấn đã huy động hàng ngàn tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần thay đổi diện mạo thị trấn ngày càng khang trang, sạch đẹp. Các hoạt động văn hóa - xã hội được quan tâm  đúng mức và đạt kết quả tích cực. Đặc biệt, công tác xã hội hóa giáo dục đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, toàn thị trấn có 3/3 trường học đều đạt chuẩn quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
 
Ngoài ra, chính sách an sinh xã hội tiếp tục được thực hiện kịp thời đầy đủ; các phong trào đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển sâu rộng. Toàn thị trấn có 6/8 khối, xóm đạt và công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”, 93% đạt gia đình văn hóa, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm còn 3,87%... Đặc biệt, đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư trên địa bàn từng bước được cải thiện. Công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng đặc biệt được quan tâm; quốc phòng - an ninh được củng cố… 
 
 Là đô thị trung tâm của huyện, địa bàn trọng điểm về  QP - AN đặc biệt là trật tự an toàn xã hội, nên cấp ủy, chính quyền thị trấn rất quan tâm công tác này và xem đó là một trong những nhiệm vụ chính trị thường xuyên. Sau đại hội đảng bộ, thị trấn đã tiến hành luân chuyển một số vị trí theo định hướng công tác cán bộ; tổ chức bổ sung rà soát quy hoạch cán bộ, gửi đào tạo, bồi dưỡng và coi đây là nhiệm vụ quan trọng cần thiết và có ý nghĩa trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đảng bộ; xây dựng và nâng cao các mô hình dân vận khéo; vận động tầng lớp nhân dân phát huy dân chủ, thực hiện có hiệu quả phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Hàng năm, bám sát vào các đề án, các mục tiêu, chỉ tiêu mà nghị quyết đề ra, thị trấn lựa chọn giải pháp hợp lý trong phát triển KT - XH, QP - AN và các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác, nhất là về việc chuyển đổi đất nông nghiệp theo yêu cầu phát triển đô thị...
Nhà máy may Nhật Bản ở khối 3, thị trấn Yên Thành tạo cho hàng trăm lao động nữ với thu nhập bình quân 4 - 5 triệu tháng. Ảnh: Thu Hương
 
Phấn đấu giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trấn đạt 11,3 %/năm; tăng giá trị sản xuất cả nhiệm kỳ đạt 927, 26 tỷ đồng, bình quân 185,45 tỷ đồng/năm. Tổng thu ngân sách đến năm 2020 là 55 - 56 tỷ đồng; thu nhập đầu người đến năm 2020 là 50,3 triệu đồng/người/năm, với 8/8 khối, xóm đạt văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo dưới 2,5%; hướng tới thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
 
Phan Doãn Hữu
(Chủ tịch UBND Thị Trấn Yên Thành)
 
 

TIN LIÊN QUAN