Hướng tới mục tiêu thanh toán bệnh lao

(Baonghean) - Với sự phát triển của nền y học hiện đại, bệnh lao hiện không còn là một trong “tứ chứng nan y” nhưng vẫn đang là vấn đề đáng quan tâm về sức khỏe toàn cầu. Ở Nghệ An, nhờ sự quan tâm, vào cuộc của các cấp ngành, sự nỗ lực của hệ thống y tế, bệnh lao đã được khống chế. để tiến tới mục tiêu thanh toán hoàn toàn bệnh lao rất cần sự nỗ lực của cộng đồng.

Theo tổ chức Y tế Thế giới: Việt Nam hiện đứng thứ 12 trong 22 nước có số bệnh nhân nhiễm lao cao trên toàn cầu và xếp thứ 14 trong 27 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao trên toàn thế giới. Mỗi năm, Việt Nam có thêm gần 200 nghìn người mắc bệnh lao và trên 30 nghìn người chết do lao. Trong số người mắc lao có tới 76% là nông dân, do mức sống của nhiều hộ dân thấp, môi trường ô nhiễm, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu còn hạn chế; đặc biệt, số bệnh nhân lao được phát hiện và điều trị chỉ chiếm khoảng 60% số người mắc lao trong cộng đồng.    
Tuyên truyền cho người dân về bệnh lao tại trạm y tế xã
Tuyên truyền cho người dân về bệnh lao tại trạm y tế xã
Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của nhà nước, sự tài trợ của các tổ chức quốc tế, và sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, đặc biệt là hoạt động hệ thống y tế cơ sở, Nghệ An đã khống chế sự gia tăng bệnh lao. Công tác phòng chống bệnh lao được chú trọng, mỗi năm phát hiện khoảng 2500 bệnh nhân lao, trong đó điều trị khỏi đạt hơn 90%. Tuy nhiên, công tác phòng và điều trị bệnh lao vẫn gặp những khó khăn nhất định: Là một tỉnh rộng, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất cho công tác phòng chống lao từ tuyến tỉnh đến cơ sở còn thiếu; một bộ phận không nhỏ nhân dân hiểu biết về bệnh lao chưa đầy đủ, sự quan tâm của xã hội đối với công tác phòng chống lao chưa nhiều, công tác truyền thông chưa sâu rộng. Xã hội hóa công tác chống lao chưa cao; thiếu cán bộ ở các tuyến, cán bộ chuyên trách cơ sở chưa ổn định, mặt khác lại còn kiêm nhiệm các chương trình khác…  Do đó, trong năm 2014, công tác phát hiện bệnh nhân lao các thể chỉ đạt 94,5 % kế hoạch UBND tỉnh giao. Nguyên nhân do trung tâm y tế (TTYT) huyện không có chức năng khám chữa bệnh, nên người bệnh hầu như không đến TTYT để phát hiện bệnh lao, trong lúc đó nhiều bệnh viện đa khoa huyện lại chưa triển khai nhiệm vụ khám phát hiện bệnh lao. Bệnh viện đa khoa huyện và trung tâm y tế chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong việc phát hiện, điều trị và quản lý bệnh nhân lao. 
Nội soi khí quản chẩn đoán bệnh lao tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An.
Nội soi khí quản chẩn đoán bệnh lao tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An.
Ngay Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Nghệ An (bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh có chức năng, nhiệm vụ chính là cơ sở vừa thu dung khám, điều trị cho các bệnh nhân lao và bệnh phổi; đồng thời chỉ đạo, quản lý công tác phòng chống lao trên địa bàn toàn tỉnh; xây dựng, điều phối hoạt động của mạng lưới phòng bệnh, phát hiện, điều trị , quản lý bệnh lao từ tỉnh xuống xã, phường) việc điều trị bệnh lao cũng gặp không ít khó khăn: Đội ngũ bác sỹ làm công tác phòng chống lao thiếu; trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng và điều trị bệnh lao còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, mức độ trầm trọng, phức tạp của bệnh đang gia tăng. Đặc biệt, số người đồng nhiễm lao HIV ngày một gia tăng, số bệnh nhân phát hiện lao kháng đa thuốc xuất hiện...
Chăm sóc bệnh nhân tại khoa HSCC bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An
Chăm sóc bệnh nhân tại khoa HSCC bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An
Hướng tới “Tiếp cận, điều trị và chữa khỏi bệnh cho mọi người”, đạt mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2030, thời gian tới, để công tác phòng chống bệnh lao có hiệu quả rất cần sự đổi mới tư duy về bệnh lao của người bệnh, các cấp ngành, các tổ chức xã hội, cũng như tăng cường sự phối hợp với các cơ quan y tế. Chương trình chống lao cần tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền để người dân có thêm kiến thức về bệnh lao và cùng chung tay xóa bỏ các rào cản, giảm kỳ thị, không giấu bệnh, tự giác đi khám bệnh để được điều trị miễn phí; Nâng cao năng lực cho phòng xét nghiệm ở các huyện; tăng cường chế độ báo cáo, phản hồi từ tuyến xã phường đến tỉnh, trung ương; phối hợp phát hiện lao sớm ở các trại giam và trung tâm giáo dưỡng; tăng cường phối hợp chương trình chống lao và chương trình phòng chống HIV/AIDS; mở rộng hoạt động phối hợp y tế công tư khuyến khích các cơ sở y tế tư nhân tham gia trong phát hiện và điều trị bệnh lao; kết hợp giữa hoạt động của các cơ sở y tế chuyên khoa, y tế đa khoa, giữa y tế công với y tế tư trong hoạt động phòng chống lao; triển khai các hoạt động của Chương trình chống lao tại những khu tập trung đông người... 
Thanh Sơn – Thanh Hoa

Bác sỹ Thái Đình Lâm, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Nghệ An khuyến cáo: Khi có dấu hiệu nghi mắc bệnh lao, người dân cần đi khám tại cơ sở y tế, không tự ý chữa bệnh. Người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn của cán bộ y tế, làm đủ các xét nghiệm, phải phối hợp ít nhất 3 loại thuốc, đúng liều, đủ thời gian, đều đặn hàng ngày để chữa dứt điểm bệnh và phòng kháng thuốc. Không được tự ý dừng khi chưa có chỉ định của thầy thuốc. Thuốc uống hàng ngày vào một giờ nhất định khi đói. Người bị bệnh lao cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho người xung quanh như: Không khạc nhổ bừa bãi, tốt nhất là đeo khẩu trang liên tục trong thời gian điều trị, che miệng khi ho, hắt hơi, khạc đờm vào khăn giấy, sau đó đốt khăn giấy và rửa tay băng xà phòng.

Trong nhà cần mở cửa sổ để không khí lưu thông, hạn chế tiếp xúc với trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai và người ốm yếu. Người bị bệnh lao cần bỏ rượu, bia, thuốc lá, sinh hoạt điều độ, ăn uống đủ chất để điều trị bệnh được tốt hơn. Để phòng bệnh lao hiệu quả cần tiêm phòng vắc xin BCG cho trẻ sơ sinh, điều trị dự phòng INH cho người nhiễm HIV không mắc lao và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi tiếp xúc với người bị bệnh lao; Mọi người cần ăn uống đủ chất, tập luyện thể dục thường xuyên để tăng sức đề kháng của cơ thể với các loại bệnh, trong đó có bệnh lao…

Tin mới