(Baonghean) - Chủ trương dồn điền đổi thửa đang triển khai ở xã miền núi Hương Sơn (Tân Kỳ) được người dân địa phương xem là một cuộc “cách mạng ruộng đất”.  Bởi từ chỗ mỗi gia đình có ít nhất 10 thửa ruộng bậc thang, thì nay chỉ còn 1 - 3 thửa liền kề, rất thuận lợi cho việc làm đất, thâm canh tăng năng suất cây trồng. Để làm được “cuộc cách mạng” đó, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã vào cuộc một cách quyết liệt và đặc biệt là được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.

“Xóa sổ” ruộng bậc thang

Suốt hơn 2 tháng nay, chính quyền và nhân dân xã Hương Sơn, huyện Tân Kỳ dồn sức máy, sức người tập trung để chuyển đổi ruộng đất. Những đám ruộng bậc thang được ví như “bàn tay”, nay được cải tạo mở rộng thành những đám ruộng lớn, với những bờ vùng, bờ thửa, giao thông nội đồng thẳng tắp. 

Suốt 2 tháng nay, máy ủi hoạt động liên tục để chỉnh trang đồng ruộng, phục vụ công tác chuyển đổi ruộng đất ở xã Hương Sơn.
Suốt 2 tháng nay, máy ủi hoạt động liên tục để chỉnh trang đồng ruộng, phục vụ công tác chuyển đổi ruộng đất ở xã Hương Sơn.

2 giờ chiều trên cánh đồng Đồng Vành của xóm Xuân Hương, xã Hương Sơn, chiếc máy ủi hoạt động không ngừng san từng bờ đất trên những thửa ruộng bậc thang. Cởi chiếc khăn đội đầu, lau những giọt mồ hôi lăn trên khuôn mặt đỏ ửng ông Lương Đắc Thành – Xóm trưởng xóm Xuân Hương hồ hởi cho biết:  Trách nhiệm của xóm trưởng là trực tiếp giám sát từng ca máy ủi, nên khi máy ủi nổ máy là mình phải có mặt để chỉ đạo người điều khiển máy làm theo ý mình. Toàn bộ cánh đồng là ruộng bậc thang, bây giờ “xóa sổ” hoàn toàn để lấy mặt bằng, chia lại ruộng cho bà con, nên phải làm cho chu đáo, nếu không sau này ruộng giống như cồn vực thì nông dân vất vả lắm.

Nói về công tác chuyển đổi ruộng đất, Ông Thành bộc bạch: Khi xã có chủ trương chuyển đổi ruộng đất, hầu hết người dân không mấy đồng tình, vì nhiều lẽ. Thứ nhất, bà con đã quen canh tác trên những thửa ruộng của mình, không muốn nhận chỗ khác. Thứ hai, bà con phải đóng góp tiền để chỉnh trang lại ruộng đồng, trong khi gần 100% số hộ làm nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn. Thứ ba, diện tích đất sản xuất sẽ giảm, vì lấy đất để làm đường. Những băn khoăn của bà con đều có lý, tuy nhiên nếu cứ để vậy thì ruộng đồng sẽ manh mún, lãng phí nước tưới và không bao giờ đưa cơ giới vào sản xuất. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của xã, mỗi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm tuyên truyền cho người dân về lợi ích của việc chuyển đổi ruộng đất, song song với đó, xóm tổ chức nhiều cuộc họp, nội dung xoay quanh mục đích của việc chuyển đổi ruộng đất. “Mưa dầm thấm lâu” sau thời gian gần 2 tháng tuyên truyền, vận động, đa số người dân đã hiểu và đồng tình ủng hộ. Ngay sau đó, việc đầu tiên là họp bàn chuyện đóng góp tiền để thuê máy ủi chỉnh trang đồng ruộng. Vì những diện tích nằm trong diện phải chuyển đổi lần này, phần lớn là ruộng bậc thang. Trước khi máy ủi hoạt động, xóm đã triển khai chia ruộng cho các gia đình cắm mốc, theo đó người điều khiển máy ủi tạo mặt bằng cho từng đám ruộng. 

Đến cánh đồng của xóm Tân Quang, gặp lão nông Nguyễn Đình Linh đang dẫn nước vào 2 thửa ruộng với diện tích hơn 2 sào vừa được xóm chia cho. Ông Linh cho biết: Gia đình có 4 sào ruộng, trước đây có tới 12 đám ở nhiều xứ đồng khác nhau nên việc làm đất sản xuất rất khó khăn, thu hoạch lúa cũng bất lợi. Khi xóm, xã có chủ trương chuyển đổi ruộng đất, gia đình ủng hộ, nhất trí đóng góp 700 nghìn đồng cho xóm thuê máy ủi. Sau khi xóm chuyển đổi xong ruộng đất, gia đình chỉ còn 3 thửa ruộng ở 2 vùng nữa thôi. Tuy nhiên, những thửa ruộng vừa nhận, chưa được bằng phẳng lắm, gia đình phải sử dụng sức trâu cày sâu, bừa xốc để lấy lại mặt bằng, đồng thời đầu tư nhiều phân chuồng để cải tạo đất những chỗ cạn màu (dự kiến, phải mất 2 năm cải tạo, thâm canh). Điều đó nông dân chấp nhận, điều quan trọng hơn là có được diện tích lớn như thế này, nếu sử dụng máy làm đất cũng thuận lợi.

Khi lòng dân đồng thuận

Ông Nguyễn Văn Kha, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban chuyển đổi ruộng đất xã Hương Sơn, cho biết: Sau khi Đại hội đại biểu Đảng bộ xã kết thúc tốt đẹp, ngày 15/5, thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, xã Hương Sơn triển khai công tác chuyển đổi ruộng đất theo Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Hương Sơn có tổng diện sản xuất lúa nước 370 ha, trong đó diện tích không thể cải tạo để chuyển đổi được khoảng 200 ha, một số diện tích đã chuyển đổi theo Chỉ thị 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Số còn lại 60 ha ở 4 xóm: Tân Quang, Tân Xuân, Tân Mỹ và Xuân Hương thuộc diện chuyển đổi lần này. Khó nhất đối với xã miền núi Hương Sơn là diện tích đất sản xuất là ruộng bậc thang. Trong khi đó, mục tiêu của xã là sau khi chuyển đổi xong, mỗi hộ chỉ còn 1 - 3 thửa, thay vì có những hộ 14 thửa như trước đây. Do vậy, để thực hiện được mục tiêu đó, không có cách nào khác là thuê máy ủi về san phẳng đồng ruộng để chia lại. Vậy thì lấy tiền đâu để thuê máy làm việc ròng rã 2 tháng trời, trong khi nguồn ngân sách xã có hạn. Chỉ còn cách vận động nhân dân đóng góp tiền. Sau nhiều cuộc họp Đảng bộ, thông qua Hội đồng nhân dân xã và các cuộc họp quân dân chính, thống nhất phương án huy động sự đóng góp tiền của dân. Theo đó, căn cứ vào diện tích ruộng của từng gia đình để đóng góp tiền. Số tiền do dân đóng góp dùng để thuê máy múc làm đường giao thông nội đồng và thuê máy san ủi đồng ruộng. 

Lão nông Nguyễn Đình Linh phấn khởi lao động trên thửa ruộng rộng gần 2 sào, vừa được chia.

Bằng nhiều cách tuyên truyền, vận động, bà con nông dân đã nhận thức được rằng, chuyển đổi ruộng đất lần này là “đau một lát mát cả đời” nên đồng tình, ủng hộ cao. Xóm nào triển khai sớm thì làm trước. Từ cuối tháng 6 đến ngày 18/7, đã có 3 xóm hoàn thành chuyển đổi ruộng đất. Những khu vực thuận lợi hơn đã được gieo cấy. Xóm Xuân Hương là đơn vị cuối cùng thực hiện chuyển đổi ruộng đất của xã, hiện tiểu ban chỉ đạo của xóm đang tập trung triển khai để bàn giao ruộng sớm cho bà con. Dự kiến, “cuộc cách mạng” ruộng đất ở Hương Sơn sẽ kết thúc vào cuối tháng 7, kịp để bà con nông dân gieo cấy lúa vụ mùa muộn. 

Bài học kinh nghiệm trong quá trình vận động người dân chuyển đổi ruộng đất được ông Nguyễn Văn Kha chia sẻ: Với phương châm, dân là gốc, dân có đồng tình thì mọi việc mới hoàn thành, nhất là việc chuyển đổi ruộng đất, gắn liền với lợi ích của dân, nên phải làm như thế nào để người dân hiểu, khi đó mới triển khai trên thực địa. Để làm được điều đó, trước hết phải thành lập ban chỉ đạo cấp xã và tiểu ban chỉ đạo cấp xóm. Nhiệm vụ trước mắt là mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức được chủ trương, sau đó bằng các hình thức tuyên truyền để làm chuyển biến nhận thức của người dân. Khi triển khai các cuộc họp xóm, đồng chí Bí thư Đảng ủy - Trưởng ban chỉ đạo xã phải có mặt để họp cùng dân. Thông qua đó, lắng nghe, ghi nhận ý kiến bà con nông dân. Với những trường hợp còn băn khoăn, lo lắng ,Ban chỉ đạo xã giao cho mỗi cán bộ, đảng viên trực tiếp gặp gỡ từng gia đình giải thích, đồng thời nắm bắt những trăn trở của người dân phản ánh lên ban chỉ đạo và có biện pháp tháo gỡ. Bằng cách làm đó, sau hơn 1 tháng triển khai, chủ trương dồn điền đổi thửa đã làm chuyển biến tư duy của người dân. Cái được lớn hơn nữa là, không những người dân đồng tình chuyển đổi ruộng đất, mà còn sẵn sàng đóng góp tiền để chỉnh trang lại đồng ruộng, mặc dù đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. 

Sau “cuộc cách mạng ruộng đất” thành công, xã Hương Sơn sẽ đẩy nhanh thâm canh cây trồng, bằng cách đưa các giống lúa mới vào gieo cấy, tiến tới xây dựng cánh đồng mẫu lớn, tại ra sản phẩm nông nghiệp mang tính hàng hóa, tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Xuân Hoàng