(Baonghean) - Tổ hợp khách sạn - thương mại Mường Thanh - Con Cuông mọc lên hoành tráng giữa phố núi đang hình thành sự liên kết chặt chẽ với các địa danh, lợi thế tiềm năng thiên tạo của địa phương, đã thực sự mở hướng phát triển kinh tế bền vững để Con Cuông theo mục tiêu đô thị sinh thái.
Năm 2016 khép lại ấn tượng nhất tại huyện Con Cuông là việc Tập đoàn Mường Thanh đưa vào khai thác sử dụng tổ hợp khách sạn – thương mại Mường Thanh Grand – Con Cuông, tạo cho địa phương này một điều kiện khác biệt để khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế.
Được xác định mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Tây Nam của tỉnh theo định hướng đô thị sinh thái, nên Con Cuông từ lâu đã chú trọng bảo vệ những lợi thế về rừng và đất rừng, đặc biệt là Vườn Quốc gia Pù Mát, khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An. Ngoài lợi thế tầm chiến lược đó thì Con Cuông có nhiều địa danh, thắng cảnh nổi tiếng đã được du khách trong và ngoài tỉnh biết đến như thác khe Kèm, khe nước Mọc, đập Phà Lài, sông Giăng, Vườn quốc gia Pù Mát...
Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn lực đầu tư hạ tầng, nên tiềm năng hầu như còn chưa được khai thác bài bản hiệu quả. Do vậy, việc đưa vào khai thác sử dụng một tổ hợp khách sạn - trung tâm thương mại quy mô tầm cỡ đã gỡ được "điểm nghẽn" cho địa phương. Tham gia vào "Tour du lịch lên với đại ngàn Con Cuông", du khách sẽ được hòa mình vào trong khung cảnh núi rừng thiên nhiên kỳ vỹ, tắm mát dưới dòng thác Kèm, ngắm nhìn cầu vồng 7 sắc từ trên cao bởi những tia nắng luồn qua vòm lá chiếu rọi xuống chân thác.
Các món ẩm thực địa phương, của đồng bào Thái giàu bản sắc như "cơm Mường Quạ, cá sông Giăng", các món mọc, xôi đỏ nếp nương, bánh sừng trâu, canh ột, nộm hoa chuối, thịt gà nướng, thịt lợn nướng ăn cùng lá móc mật, lá sú, lá lội... sẽ làm nức lòng du khách. Ngoài những địa danh tự nhiên trời phú cho vùng đất giàu trầm tích này, thì Con Cuông từ lâu đã xác định du lịch - dịch vụ là kinh tế mũi nhọn chủ lực, vì thế địa phương này đang dần hình thành những điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái với việc kết nối ngày càng hợp lý.
Du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, mà còn là dịp để bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương... Ở Con Cuông có 4 địa phương đang phát triển du lịch cộng đồng đó là bản Khe Rạn (xã Bồng Khê), bản Nưa (xã Yên Khê), làng Cằng và làng Xiềng (xã Môn Sơn). |
Trải nghiệm tại điểm du lịch cộng đồng bản khe Rạn, xã Bồng Khê vào buổi tối, du khách có điều kiện để hiểu sâu về văn hóa, về bản sắc đặc trưng của đồng bào Thái vùng miền Tây Nghệ An. Cùng hòa quyện vào các điệu lăm vông, khắc luống, nhảy sạp trong ánh lửa trại bập bùng tạo một không khí sinh hoạt cộng đồng ấm cúng, vui nhộn. Các món ẩm thực đặc trưng sẽ tạo cho du khách nhiều bất ngờ, thú vị. Vừa thưởng thức các món ăn, khách được chủ nhà kể những câu chuyện vui về phong tục tập quán, về lễ nghi của người Thái và đại diện gia đình, người địa phương không quên giới thiệu tỉ mỉ từng món trên mâm khiến cho không khí thêm phần ấm cúng.
Phần ẩm thực kết lại khi chính giữa sân, chum rượu cần to đặt trang trọng, già bản cất giọng mời các thần linh về chung vui với bà con, cảm ơn các thần linh đã phù hộ cho bà con dân bản mạnh khỏe, ruộng vườn tươi tốt... Khi lời cầu xin của già làng vừa dứt, dàn cồng chiêng ngân vang hòa cùng tiếng hát, điệu múa lăm vông... Những chiếc cần rượu được vít xuống, khuôn mặt ai nấy ửng hồng vì men rượu cần, vì tình người nồng hậu.
Du lịch cộng đồng đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho người dân bản địa các địa phương của huyện Con Cuông. Cùng với đẩy mạnh du lịch cộng đồng, loại hình du lịch sinh thái khám phá cũng được Con Cuông đẩy mạnh thực hiện với việc hình thành một số tour tuyến vào vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát ngược dòng sông Giăng lên khe Khặng, khe Bu vùng đồng bào dân tộc Đan Lai... Hiện tại, huyện đang phối hợp với Sở VH-TT&DL xây dựng đề án triển khai thực hiện các tour tuyến du lịch gồm du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái khám phá thiên nhiên trên cơ sở khai thác có hiệu quả các điểm đã được xác định. Đồng thời, kêu gọi đầu tư, tăng cường công tác xã hội hóa trong hoạt động du lịch nhằm tăng hiệu quả kinh tế của loại hình này.
Để hiện thực hóa tiềm năng và lợi thế, Đại hội Đảng bộ huyện Con Cuông lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa của vùng Tây Nam tỉnh Nghệ An. Theo đó, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt đề án xây dựng đô thị sinh thái Con Cuông trên cơ sở chỉ rõ những tiềm năng, lợi thế của địa phương cũng như những nhiệm vụ, giải pháp theo lộ trình thực hiện. Để hiện thực mục tiêu của nghị quyết đại hội, mục tiêu đề án, Con Cuông đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện, theo đó các đề án phát triển dịch vụ thương mại, đề án du lịch, đề án đô thị theo định hướng sinh thái... đã được xây dựng thông qua, từng bước đưa vào cuộc sống.
Với động lực và quyết tâm cao cho định hướng một Con Cuông phát triển, trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Tây Nam của tỉnh, sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Con Cuông kết thúc năm 2016 với các chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt, tốc độ tăng trưởng kinh tế 9,32%; tổng giá trị sản xuất tăng 13,48% so với cùng kỳ.
Một số công trình dự án trọng điểm đã và đang đưa vào hoạt động như tổ hợp khách sạn - Trung tâm thương mại Mường Thanh Con Cuông, Nhà máy Thủy điện Chi Khê, Nhà máy Thủy điện Khe Thơi đã tạo nên nhịp tăng trưởng sôi động về kinh tế. Năm 2016, Con Cuông có xã Yên Khê, xã đầu tiên của huyện về đích nông thôn mới, hiện tại xã Bồng Khê cũng đang trong quá trình hoàn thiện các tiêu chí còn lại để được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Văn hóa - xã hội được quan tâm đầu tư phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng được chăm lo, đội ngũ cán bộ và bộ máy từ huyện đến cơ sở hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Đình Hùng - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Con Cuông: “Nhiệm vụ trọng tâm của Con Cuông trong năm 2017 là tập trung thu hút đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp, tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế, khắc phục nhanh những hạn chế yếu kém, tạo chuyển biến rõ nét về VH-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh, không để xảy ra các vụ việc phức tạp nổi cộm về trật tự ATXH. Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể; xây dựng các tổ chức trong hệ thống chính trị vững mạnh, lãnh đạo, chỉ đạo và vận động nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đưa nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống, từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành đô thị sinh thái”. |
Hồng Sơn