(Baonghean.vn). Không được định hướng nghề nghiệp, thiếu thông tin về chọn ngành, chọn nghề đã đẩy nhiều thanh niên vào thế "tiến thoái, lưỡng nan". Do đó, công tác hướng nghiệp dạy nghề cho thanh niên là việc làm hết sức cấp thiết...
Theo số liệu thống kê, hiện nay lực lượng thanh niên toàn tỉnh chiếm 53,8% tổng số lao động trong độ tuổi. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao, tỷ lệ thời gian lao động của thanh niên nông thôn đạt thấp (chưa đạt 70%). Lao động qua đào tạo còn ít, mới chiếm 35,6% và qua đào tạo nghề chiếm 26%. Trình độ nghề nghiệp, năng lực thực hành, trình độ khoa học công nghệ, ngoại ngữ, tư duy kinh tế còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực trẻ còn thấp so với yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cơ cấu về ngành nghề, bậc học còn nhiều bất cập, thiếu hợp lý, chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động.
Tiết thực hành của sinh viên Trường CĐ nghề Du lịch- Thương mại Nghệ An.
Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2020, để đạt được mục tiêu "Trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở để đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp" (NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII), chúng ta rất cần một nguồn nhân lực trẻ có trình độ, có tay nghề cao. Muốn vậy, cần thiết phải đẩy nhanh tốc độ hướng nghiệp, dạy nghề và đào tạo nghề cho lực lượng lao động, nhất là đối với lực lượng lao động thanh niên. Vì vậy, công tác giới thiệu và giải quyết việc làm cho thanh niên là vấn đề hết sức cấp bách, mang tính xã hội sâu sắc.
Thời gian qua, công tác truyền thông nghề nghiệp và việc làm cho thanh niên ở các địa phương, trường học đã có nhiều nỗ lực nhưng chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Các tiết hướng nghiệp, dạy nghề ở các trường THPT chỉ mới dừng lại ở việc giới thiệu các trường đào tạo theo từng ngành học; khối học, năng lực học của học sinh mà chưa có sự định hướng cụ thể, giới thiệu về nghề nghiệp, việc làm sau khi học sinh tốt nghiệp các ngành, nghề đã học. Học sinh rất mù mờ về cơ hội việc làm, về ngành nghề mình theo học. Do đó, đa số học sinh sau khi tốt nghiệp THPT thường đổ xô thi ĐH, CĐ; và nếu thi trượt thì sẽ chọn con đường ôn thi lại, hoặc tìm kiếm việc làm mà không qua đào tạo nghề.
Theo thống kê từ phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD&ĐT), trung bình mỗi năm tỉnh ta có 60.000 em đăng ký dự thi vào các trường ĐH, nhưng chỉ khoảng 1/3 trong số đó đủ điểm đầu vào, và khoảng 13.000-17.000 học sinh tốt nghiệp THCS không đủ điểm vào lớp 10, 17.000-30.000 học sinh học dở THPT hoặc thi trượt tốt nghiệp THPT chưa qua đào tạo nghề. Thầy Nguyễn Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề KT-KT Yên Thành cho biết: "Trường đứng chân trên địa bàn huyện, có cơ sở vật chất khá đồng bộ, với đa dạng các ngành nghề đào tạo, trường liên kết với các công ty, doanh nghiệp tạo việc làm ổn định cho các em sau khi hoàn thành khóa học.
Thuận lợi là vậy, nhưng không phải mùa tuyển sinh nào trường cũng tuyển đủ chỉ tiêu." Nhận thức sai lệch về học nghề, nên đa phần thanh niên, sau khi thất bại trên con đường ĐH, CĐ thường tìm cho mình một việc làm ngay. Không qua đào tạo, thiếu kiến thức, tay nghề nên rất khó tìm việc làm ổn định, thu nhập khá. Nhiều thanh niên theo trào lưu "Nam tiến" lập nghiệp, nhưng qua nhiều năm bươn bả vẫn chấp nhận trắng tay. Trong khi số thanh niên biết chọn học nghề, được vào làm việc ổn định ở các doanh nghiệp, công ty lớn và được hưởng các chế độ đãi ngộ. Nhiều thanh niên, sau khi đã tốt nghiệp trung cấp nghề, ổn định việc làm, đã theo học liên thông lên CĐ, ĐH.
Nhận thức lệch lạc và thiếu định hướng về nghề nghiệp đang là thực trạng đáng cảnh báo trong giới trẻ hiện nay. Để triển khai đồng bộ và có hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho thanh niên đạt mục tiêu đề ra, trước hết, các cấp, các ngành, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền vận động, định hướng phân luồng học nghề cho thế hệ trẻ, giúp họ đánh giá, lựa chọn đúng ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh, xoá bỏ định kiến xem thường việc học nghề trong giới trẻ. Thông qua các hoạt động này, sẽ giúp cho thanh niên ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc không ngừng rèn luyện học tập, nâng cao trình độ tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ.
Đồng thời, ban hành các chính sách ưu tiên về cấp đất, miễn giảm các khoản thuế cho các công ty, doanh nghiệp có cam kết, đăng ký tuyển dụng nhiều lao động của địa phương vào làm việc; đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, dịch vụ giới thiệu việc làm trong và ngoài nước; bổ sung nguồn vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, giúp ĐVTN tự tạo việc làm.
Duy trì và phát triển "Ngày hội việc làm", "Hội chợ việc làm", sàn giao dịch việc làm, nhằm tạo điều kiện cho lực lượng lao động trẻ và người sử dụng lao động hiểu biết lẫn nhau, có cơ hội tìm việc làm và tuyển dụng lao động. Quy hoạch lại, đầu tư nâng cấp các trường, trung tâm dạy nghề cả về cơ sở vật chất lẫn năng lực đào tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và triển khai thực hiện các chương trình. Hỗ trợ, tạo cơ hội việc làm cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn.
Triển khai và mở rộng mô hình trí thức trẻ tình nguyện, làng thanh niên lập nghiệp, tổng đội thanh niên xung phong, nhằm phát huy vai trò xung kích của thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm, phân bổ lại lao động. Các cấp uỷ đảng, chính quyền, ngành chức năng cần tạo điều kiện và bố trí đủ nguồn lực để các cấp bộ Đoàn triển khai thực hiện có hiệu quả đề án giải quyết việc làm cho thanh niên, đồng thời quan tâm, tạo điều kiện cho ĐVTN phát triển một cách toàn diện, xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đồng hành cùng thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp.