(Baonghean) -Các loài cây chịu mặn được đưa vào trồng trên diện tích đất ngập mặn ven sông, ven biển của tỉnh Nghệ An trong nhiều năm qua đang mang lại hiệu quả vô cùng to lớn. Đó không chỉ là những bức tường xanh vững chãi bảo vệ cuộc sống cư dân ven biển mà còn mang lại nguồn lợi kinh tế cao.Nhân ngày Đất ngập nước Thế giới, (2/2) vừa qua, được sự giới thiệu của Hội Chữ thập đỏ Nghệ An, tôi về xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu – địa phương ven biển có diện tích đất ngập nước khá lớn, nay đã được phủ xanh bởi tầng tầng, lớp lớp các loài cây chịu mặn như đước, bần… Anh Vũ Xuân Tình - 1 trong 4 người thuộc tổ bảo vệ của xã Diễn Kim lập ra có trách nhiệm coi sóc, bảo vệ rừng ngập mặn đã rất nhiệt tình đưa tôi mục sở thị “đại ngàn bên cửa biển” này. Đập vào mắt chúng tôi là những cánh rừng ngập mặn nằm dọc theo tuyến đê bên lạch Vạn phát triển xanh tốt, thân vươn cao vun vút, rễ chi chít ăn sâu vào bùn chua, thi thoảng từ trong bạt ngàn xanh mướt lại vút lên những cánh cò trắng phau.

Hưởng lợi từ “đại ngàn ven cửa biển” ảnh 1

Rừng ngập mặn phát triển xanh tốt ở xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu.

Anh Tình cho biết: “Trước đây, diện tích đất ngập mặn bị bỏ hoang nên mỗi khi thủy triều lên hoặc có bão là gây xói lở cho đê, uy hiếp đến tính mạng và tài sản của người dân. Nhưng từ khi trồng rừng ngập mặn, không chỉ thay đổi môi trường sinh thái, tạo thành những mảng xanh dọc sông, ngăn chặn xói lở đê mà còn mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho nhân dân trong xã”. Lợi ích mà anh Tình nói, đó chính là sự hồi sinh, phát triển phong phú của các loài thủy sản nước lợ. Và việc cư dân địa phương khai thác hợp lý đang tạo ra nguồn thu lớn, giúp phát triển kinh tế địa phương. Anh Nguyễn Ngọc San ở xóm Tiền Tiến 2, một ngư dân trên lạch Vạn là người cảm nhận rõ sự thay đổi của vùng đất chua phèn ngoài đê một thời tưởng như bỏ đi này. Anh cho biết: “Trước đây, sản lượng cá, tôm, cua đánh bắt ở lạch rất ít, hiệu quả kinh tế không cao. Nhưng từ khi trồng rừng ngập mặn, thủy sản không chỉ phát triển đa dạng mà số lượng rất nhiều, trong đó có những loài thủy sản có giá trị kinh tế lớn”. Sự đa dạng mà ngư phủ Nguyễn Ngọc San nói đó chính là ốc đỏ, cá bớp, cua, ốc, hến… Thậm chí, có những ngày cư dân xã Diễn Kim cào được từ rừng ngập mặn vài tấn hến, ngao… Nguồn thủy sản phong phú, khiến Diễn Kim trở thành địa chỉ cung cấp con giống chất lượng cao cho nhiều nơi trong cả nước.Nguồn lợi từ rừng ngập mặn mang lại cho Diễn Kim đã thấy rõ, do đó ý thức của người dân về bảo vệ rừng ngày càng được nâng cao. Chị Ngô Thị Hương sống 15 năm ven đê lạch Vạn cho biết: “Từ khi có rừng ngập mặn, đê không bị xói lở, mỗi lần có mưa bão, chúng tôi cũng yên tâm hơn, không còn lo lắng như trước đây. Mỗi người đều ý thức được việc bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống, tài sản của chính gia đình, làng xã”.Nhờ những chuyển biến rõ rệt trong ý thức của người dân nên trên diện tích hơn 200ha rừng ngập mặn ở xã chỉ có 4 bảo vệ nhưng hầu như rừng không bị xâm hại. “Lúc đầu cũng có một số người ra lấy củi khô hoặc đánh bắt cò. Chúng tôi nhắc nhở, xử lý kiên quyết kết hợp với tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, cho nên tình trạng xâm hại rừng hầu như không còn”. Câu chuyện trồng rừng ngập mặn, bảo vệ và hưởng lợi từ rừng không chỉ có ở Diễn Kim mà còn xuất hiện ở rất nhiều địa phương nằm dọc theo bờ biển dài 82km ở Nghệ An từ năm 1997 đến nay sau khi có dự án trồng rừng của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản tài trợ kinh phí.Trong vòng 16 năm qua, Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản đã tài trợ kinh phí để thực hiện Dự án “Trồng rừng ngập mặn - Giảm rủi ro” thông qua Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Tại Nghệ An, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã trực tiếp triển khai dự án với tổng số tiền hơn 7,2 tỷ đồng, trồng được 1.375ha, bao gồm các cây đước, bần ở những diện tích đất nhiễm mặn, đầm, phá, sông nước mặn dọc theo bờ biển từ huyện Quỳnh Lưu vào đến xã Hưng Hòa, TP Vinh. Trồng phi lao, bạch đàn, tre dọc sông Lam thuộc các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn. Bà Bùi Thị Mai – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Nghệ An cho biết: “Trồng rừng trên diện tích đất ngập mặn góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao khả năng ứng phó trước biến đổi khí hậu và thảm họa cho nhân dân các địa phương được thụ hưởng. Ngoài ra, người dân cũng được hưởng lợi trực tiếp từ việc nguồn lợi thủy sản phục hồi. Trước kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Nghệ An nhằm tiếp tục bảo vệ, duy trì rừng, giúp người dân nâng cao năng lực giữ rừng tại các vùng đất ngập nước”.

Bài, ảnh: Thành Duy