(Baonghean) - Đức vừa mới thông báo nới lỏng quy định về quy chế tị nạn cho những người Syria muốn nhập cư vào châu Âu hôm 26/8. Động thái này được đưa ra chỉ ít ngày sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande. Theo đó, hai bên thống nhất quan điểm phân bổ lại hạn ngạch tiếp nhận người di cư một cách công bằng hơn. Như vậy, với sự sẵn sàng chia sẻ của những quốc gia như Đức, liệu châu Âu có thể hy vọng tìm ra hướng đi mới trong cuộc khủng hoảng nhập cư?
Quyết định đầy bất ngờ
Theo tuyên bố của Đức, nước này sẽ không đưa những người Syria xin tị nạn trở về cảng cửa ngõ của Liên minh châu Âu (EU) – nơi họ đặt chân đến đầu tiên trong hành trình hướng tới châu lục này. Theo bà Natasha Bertaud, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC), quyết định này của Đức là sự công nhận thực tế rằng không thể bỏ rơi một số nước thành viên đơn độc ứng phó với làn sóng người di cư xin tị nạn ngày một đông.
Như vậy, Đức trở thành quốc gia thành viên đầu tiên trong EU đơn giản hóa thủ tục xin tị nạn đối với những người buộc phải sơ tán do chiến tranh hoặc xung đột. Ngoài ra, Chính phủ Đức còn vừa tuyên bố tăng gấp đôi quỹ hỗ trợ cho các thành phố phải tiếp nhận lượng lớn người di cư trong năm nay. Dư luận quốc tế khá bất ngờ trước động thái này của Đức, bởi khủng hoảng di cư hiện đang được xem là thách thức lớn nhất đối với quốc gia này kể từ sau khi thống nhất hai miền Đông - Tây.
Theo số liệu mới nhất, số lượng người xin tị nạn ở Đức có thể lên đến 800.000 người trong năm 2015, tương đương 1% dân số nước này. Cũng như nhiều quốc gia châu Âu khác, trước đây, người nhập cư có thể dễ dàng được chấp nhận do tình trạng thiếu lao động. Tuy nhiên, sự gia tăng đột biến về số lượng trong thời gian gần đây đã khiến Đức phải gồng mình trước gánh nặng tài chính để hỗ trợ cho người nhập cư, kèm theo đó là hàng loạt những vấn đề cả về an sinh lẫn an ninh xã hội, xuất phát từ sự khác biệt văn hóa đáng kể giữa người nhập cư và người bản địa.
Đó là lý do hơn một năm nay, các nhóm cực hữu với tư tưởng bài ngoại phát triển rất mạnh ở Đức. Trong bối cảnh này, việc nới lỏng quy định về quy chế tị nạn cho những người Syria muốn nhập cư vào châu Âu được xem là một quyết định bất ngờ và dũng cảm của Thủ tướng Đức Angela Merkel, cho dù điều này có thể nằm trong tính toán của bà Merkel về việc khẳng định vị thế đầu tàu của xứ sở này trong giải quyết các vấn đề gai góc của khu vực.
Theo quy định trước đây của châu Âu, những người di cư chỉ có thể xin quy chế tị nạn tại quốc gia đầu tiên họ đặt chân đến. Điều đó có nghĩa là Hy Lạp và Italy – hai địa điểm cập bến của những con thuyền di cư - sẽ phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn nếu không thể giải tỏa dòng người vẫn đang đổ về đây mỗi ngày.
Nguy cơ này đã thực sự hiện hữu trong những ngày qua, khi hàng loạt các nước nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa Italy và Hy Lạp với các quốc gia Tây Âu đã thẳng tay áp dụng các biện pháp mạnh để ngăn cản dòng người nhập cư quá cảnh: Hungary dựng hàng rào dây thép gai và thông báo ngừng tiếp nhận đơn xin tị nạn; Macedonia ban bố tình trạng khẩn cấp, đóng cửa toàn bộ khu vực biên giới ở phía Nam, đồng thời cho cảnh sát bạo động sử dụng hơi cay để đẩy lùi dòng người di cư; Bulgaria thông báo sẵn sàng điều động các lực lượng vũ trang tới khu vực biên giới Tây Nam tiếp giáp với Hy Lạp và Macedonia…
Với hơn 200.000 người di cư vào châu Âu chỉ trong 7 tháng đầu năm, trong đó có tới 135.000 người cập bến ở “xứ sở thần thoại” Hy Lạp, còn lại chủ yếu là cập bến ở Italy, đây thực sự là “cơn ác mộng” với hai nước này nếu như gánh nặng người tị nạn không được san sẻ. Bởi vậy, trước động thái bất ngờ của Đức, những nước cửa ngõ châu Âu như Italy và Hy Lạp hẳn sẽ “thở phào nhẹ nhõm”, còn các nước trung chuyển Nam Âu cũng phần nào trút được gánh nặng.
Tuy nhiên, cách làm này của Đức có nhận được sự đồng tình của các nước châu Âu khác hay không lại là một câu chuyện khác, bởi việc phân bổ hạn ngạch người nhập cư đến nay vẫn là vấn đề mà các quốc gia của “lục địa già” chưa thể tìm được sự thống nhất.
Châu Âu có hết chia rẽ?
Cuộc khủng hoảng chưa từng có và nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới 2 - đó là cách người ta nói về cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu hiện nay. Khi mà các cuộc xung đột và tình hình bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi vẫn tiếp diễn liên miên, hàng trăm nghìn người tị nạn vẫn cố tìm cách để tới được “miền đất hứa” châu Âu. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã tổ chức nhiều cuộc họp thượng đỉnh để tìm lời giải cho bài toán người nhập cư. Thế nhưng, vướng mắc lớn nhất hiện nay giữa các nước là kế hoạch phân bổ tiếp nhận 40.000 người nhập cư nhằm thể hiện tình đoàn kết và chia sẻ gánh nặng với các nước tuyến đầu trong cuộc khủng hoảng.
Tinh thần đoàn kết và chia sẻ mà các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra nhận được sự đồng thuận về mặt chủ trương, thế nhưng khi đưa vào thực hiện lại chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc. Một số nước phản đối hạn ngạch bắt buộc, từ chối tiếp nhận thêm người tị nạn do kinh tế trong nước còn trì trệ và nạn thất nghiệp vẫn ở mức cao. Không những chia rẽ về hạn ngạch phân bổ người tị nạn, các nước châu Âu cũng không thống nhất về cách tiếp cận vấn đề, giữa một bên là tạo điều kiện cho người nhập cư theo tinh thần nhân đạo, một bên là siết chặt các quy định với dòng người nhập cư.
Nếu như Đức sẵn sàng nới lỏng các quy định với người nhập cư, thì Anh lại thực hiện theo hướng ngược lại khi đưa ra hàng loạt chính sách mạnh tay với lao động nhập cư trái phép. Ngoại trưởng Anh Philip Hammond từng tuyên bố rằng người di cư đang đe dọa tiêu chuẩn sống của EU cũng như cấu trúc xã hội của liên minh, vì vậy châu Âu không thể cứ “dang tay” tiếp nhận hàng triệu người đang tìm kiếm cuộc sống mới.
Trong hoàn cảnh đó, động thái mới của Đức trong việc nới lỏng quy chế tị nạn cho người di cư có thể là tin vui với những người đang tìm đường đến “lục địa già”, tin vui cho những nước cửa ngõ như Hy Lạp và Italy, nhưng chính sách này có được sự đồng thuận, ủng hộ của các quốc gia khác hay không, có tạo nên tiền lệ để các nước khác thực hiện theo hay không thì vẫn là câu hỏi còn để ngỏ và còn phải chờ đợi một thời gian nữa mới đoán định được.
Nhưng theo phân tích của các chuyên gia, cho dù kết quả có thể nào, thì vấn đề quan trọng nhất với các nhà lãnh đạo châu Âu là phải có sách lược chung trong việc hỗ trợ giải quyết tình hình chính trị bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi, phải giải quyết cuộc khủng hoảng từ “phần gốc” chứ không chỉ loay hoay trên “phần ngọn”.
Thúy Ngọc