(Baonghean) - Nghề mộc đã gắn bó với người dân các khối chế biến lâm sản 1, 2, 3, phường Quang Phong, Thị xã Thái Hòa hàng chục năm qua. Giá trị sản xuất của nghề giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, để nghề mộc ở phường Quang Phong phát triển ổn định, đứng vững trên thị trường, còn rất nhiều khó khăn cần được giải quyết.

CCB Trần Ngọc Sơn vận hành máy chạm khắc gỗ.
CCB Trần Ngọc Sơn vận hành máy chạm khắc gỗ.

Cơ sở sản xuất mộc dân dụng, mỹ nghệ Sơn Nguyệt của gia đình cựu chiến binh Trần Ngọc Sơn là một trong những cơ sở lớn nhất trong vùng. Hơn 30 năm lăn lộn với nghề, từ cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hiện nay, ông đã có một địa điểm dùng để trưng bày sản phẩm tại khối chế biến lâm sản 3 và một nhà xưởng sản xuất đóng tại khối Nghĩa Sơn, phường Quang Phong trên diện tích rộng 2.000m2. Sản phẩm của cơ sở gồm các loại bàn, ghế, giường, tủ… Ông Trần Ngọc Sơn cho biết: “Hiện nay, nghề mộc dân dụng, mỹ nghệ chịu sự cạnh tranh rất lớn của các làng nghề ở các tỉnh phía Bắc. Do đó, tôi đã chủ động ra ngoài Bắc tham quan, học hỏi kinh nghiệm và cho con trai ra ngoài đó học các kỹ thuật mới, nhất là kỹ thuật sử dụng máy chạm khắc gỗ. Sau đó, tôi đầu tư mua hai máy đưa vào sản xuất”. Việc ứng dụng công nghệ vào làm nghề đã giúp sản phẩm mộc của cơ sở ông tinh xảo hơn, năng suất lao động lại cao hơn, từ đó góp phần hạ giá thành sản phẩm nên cạnh tranh được với các sản phẩm mộc dân dụng của các làng nghề ở phía Bắc. Hiện nay, cơ sở của ông đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 25 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 5 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, không phải cơ sở sản xuất nghề mộc nào ở Quang Phong cũng nhanh nhạy và có sự đầu tư cho phát triển như cơ sở của cựu chiến binh Trần Ngọc Sơn. Bởi hiện nay, trên bình diện chung, nghề mộc dân dụng, mỹ nghệ ở phường Quang Phong có sự sụt giảm đáng kể so với cách đây hơn 10 năm. Làng nghề mộc mỹ nghệ Chế biến lâm sản được UBND tỉnh Nghệ An công nhận Làng nghề vào ngày 30/12/2002, hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu gồm các mặt hàng: bàn, ghế, tủ, giường, mộc dân dụng với khoảng 186 hộ gia đình tham gia làm nghề. Khi mới thành lập, làng nghề có một HTX mộc dân dụng với chức năng làm bàn đạp cho hoạt động của làng nghề. Nhưng đến nay do các mặt hàng làm ra khó tiêu thụ, không cạnh tranh được với các mặt hàng ở nơi khác, nguyên liệu gỗ đầu vào thu mua ngày càng khó khăn nên nhiều hộ gia đình đã bỏ nghề.

Năm 2014, chỉ còn 67 hộ làm nghề với khoảng 143 lao động (trong đó có 10 hộ gia đình sản xuất mộc mỹ nghệ chất lượng cao), lao động có tay nghề cao chiếm khoảng 10%. HTX mộc dân dụng cũng không còn hoạt động do các xã viên không tham gia, giải thể năm 2007. Tháng 12 năm 2014, các hộ gia đình đã liên kết để thành lập HTX thương mại dịch vụ làng nghề Quang Phong với 13 hộ gia đình tham gia. Trao đổi về những giải pháp nhằm phát triển bền vững làng nghề, cựu chiến binh Trần Ngọc Sơn cho rằng: “Trước hết, đề nghị các cấp hỗ trợ cho thuê mặt bằng để các hộ làm nghề xây dựng cơ sở tập trung, yên tâm sản xuất ổn định lâu dài. Vì hiện nay, đa số các cơ sở đều sản xuất trong vườn nhà nên gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ cho người làm nghề được đi tham quan, học hỏi về kỹ thuật, công nghệ, mẫu mã hàng mộc dân dụng, mỹ nghệ mới, cũng như tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn để đầu tư công nghệ cao phục vụ phát triển sản xuất”.

Đồng tình với các ý kiến trên, ông Lê Trung Dũng, Phó Chủ tịch phường Quang Phong cho biết: “Mặc dù suy giảm nhưng làng nghề có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của địa phương. Năm 2014, giá trị sản xuất nghề mộc đạt khoảng 15.200 triệu đồng. Vì vậy, nếu kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn trên, nghề mộc dân dụng, mỹ nghệ sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn, góp đóng xứng đáng cho sự phát triển của địa phương. Hiện nay, chúng tôi đã có báo cáo về những khó khăn trong phát triển làng nghề gửi Thị xã để có hướng giải quyết”.

Thành Duy