(Baonghean)-Mùa lễ hội 2016 đang đến gần, làm thế nào để các lễ hội trên địa bàn tỉnh đảm bảo văn minh, an toàn và phát huy, lan tỏa giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp đang là vấn đề được các cấp, các ngành quan tâm…

Vẫn còn lộn xộn

Lễ hội Đền Cờn (phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai) là một trong những lễ hội lớn của tỉnh, được tổ chức vào các ngày 20 - 21 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội truyền thống thuộc loại cổ xưa nhất của vùng biển Quỳnh xứ Nghệ, thu hút hàng vạn du khách thập phương về tham dự. Lễ hội nhận được sự quan tâm, đầu tư và xã hội hóa mạnh mẽ, nhờ đó, được tổ chức quy mô, trang trọng. Tuy nhiên, cùng với những ấn tượng đẹp về một lễ hội đậm đà bản sắc miền biển, thì vẫn còn đó những trăn trở về các mặt tồn tại. Mùa lễ hội năm 2015, ở Đền Cờn vẫn còn tình trạng các hộ kinh doanh thiếu ý thức vệ sinh môi trường, bày biện hàng quán ngổn ngang, xả rác bừa bãi quanh khu vực đền; ô nhiễm tiếng ồn từ những chiếc loa phát nhạc quá lớn, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của chốn phụng thờ, làm ảnh hưởng đến không gian di tích và việc thưởng lãm lễ hội của du khách. Bên cạnh đó, vẫn còn xuất hiện một số băng rôn, cờ phướn thuần túy mang nội dung thương mại, quảng cáo; maket sân khấu được thiết kế và treo mắc chưa đúng quy định của Luật Quảng cáo …

Đua thuyền tại Lễ hội Đền Cờn. Ảnh: Trần Tố
Đua thuyền tại Lễ hội Đền Cờn. Ảnh: Trần Tố

Đánh giá sau đợt thanh, kiểm tra 19 lễ hội trên địa bàn tỉnh vào mùa lễ hội năm 2015, đoàn kiểm tra Sở VH-TT&DL cho rằng, những vi phạm tương tự như ở Lễ hội Đền Cờn tồn tại ở nhiều lễ hội khác. Phổ biến nhất là tình trạng lộn xộn dịch vụ buôn bán, làm giảm tính mỹ quan của di tích và gây sự ồn ào, chen lấn, ô nhiễm môi trường. Một số lễ hội chưa chú ý tới công tác an ninh, trật tự, vẫn còn những hoạt động phi văn hóa như vui chơi có thưởng, bói toán, đánh bạc trá hình… Về phía người dân, một số người đến lễ hội còn bận trang phục không phù hợp, lời ăn, tiếng nói thiếu văn hóa, việc thắp hương và bỏ tiền cúng lễ còn bừa bãi …

Mặt khác, nhìn nhận từ góc độ chuyên môn, các nhà văn hóa – lịch sử cho rằng nhiều địa phương chưa có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm túc về nguồn gốc hình thành lễ hội để đầu tư xây dựng những diễn tích hay, đặc sắc, có nét riêng nên nhìn chung, phần hội còn đơn điệu, na ná giống nhau. Nhiều nơi, ban tổ chức đã áp đặt một số kịch bản có sẵn, làm mất tính chủ động, sáng tạo của người dân khiến chủ thể của lễ hội bị suy giảm. Nét văn hóa, văn minh lễ hội vì thế còn nhiều hạn chế, chưa đủ sức tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, làm nên “thương hiệu” lễ hội xứ Nghệ đến du khách gần, xa.

Xây dựng văn minh lễ hội 

Bước sang mùa lễ hội 2016, mở đầu với Lễ hội Pẩn Nang – Nang Hy (xã Châu Cường, Quỳ Hợp) và kết thúc với Lễ hội Đền Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh, Hưng Nguyên), toàn tỉnh có 24 lễ hội lớn nhỏ. Hiện nay, các nhóm giải pháp đồng bộ để khắc phục vi phạm, hướng tới mùa lễ hội văn minh đang được các cấp, ngành, chính quyền địa phương tích cực triển khai. 

Tại huyện Yên Thành, với 9 lễ hội trong năm, trong đó có 2 lễ hội được UBND tỉnh cấp phép tổ chức là Lễ hội Đền Đức Hoàng (xã Phúc Thành) và Lễ hội Đền – Chùa Gám (xã Xuân Thành), công tác tổ chức và quản lý lễ hội đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương rốt ráo chỉ đạo. Ông Hoàng Danh Truyền – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo tổ chức lễ hội và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Trong đó, chú trọng việc chấn chỉnh, kiểm soát các hộ kinh doanh, ngăn cấm các hành vi gây ô nhiễm môi trường cũng như hiện tượng lợi dụng lễ hội để kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng kém chất lượng… Đồng thời, quy hoạch, thiết kế lại khu vực vui chơi, hàng hóa; bắt buộc niêm yết bảng giá dịch vụ; đăng ký nhóm sản phẩm kinh doanh để vừa đảm bảo phục vụ tốt cho nhân dân, vừa đảm bảo không gian linh thiêng của lễ hội”. 

Đông đảo người dân về dự lễ hội Chùa Gám

Với chính quyền huyện Diễn Châu, ưu tiên hàng đầu để xây dựng một mùa lễ hội văn minh chính là mạnh tay dẹp bỏ các hoạt động mê tín dị đoan, các trò chơi cá cược, giải quyết ô nhiễm môi trường… Ông Trần Sỹ Hồng - Phó phòng VH-TT huyện Diễn Châu khẳng định: “Chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện và chỉ đạo xã Diễn An – nơi diễn ra Lễ hội Đền Cuông bố trí cụ thể số lượng người chuyên chăm lo vệ sinh khuôn viên đền, huy động sự vào cuộc của đoàn thanh niên sở tại để giữ gìn trật tự, môi trường di tích được sạch, đẹp, ổn định. Cùng với đó, tuyên truyền và thẳng tay xử phạt hành chính những người hoạt động bói toán, mê tín dị đoan, tổ chức cá cược”.

Còn ở các huyện miền núi, bên cạnh quản lý và tổ chức lễ hội, còn có những đặc thù khó khăn riêng trong việc hài hòa phong tục, tập quán đồng bào các dân tộc với văn minh lễ hội hiện nay. Lễ hội Đền Chín gian (xã Châu Kim, Quế Phong) là lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái chín bản, mười mường. Qua nhiều biến thiên của lịch sử, năm 2006, lễ hội mới được phục dựng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào. Phần lễ được phục dựng gần như nguyên thể, với điểm nhấn là lễ chém trâu. Với đồng bào dân tộc Thái, đây là nghi lễ có ý nghĩa đặc biệt thiêng liêng, thể hiện mối giao hòa giữa con người và đấng thiên nhiên. Tuy nhiên, với chuẩn văn minh lễ hội hiện nay, nghi lễ đang đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi phải dung hòa.

Bà Trương Thị Tuyết Mai – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết, hiện, phương án giải quyết vào mùa lễ hội 2016 là sẽ vẫn thực hiện đầy đủ các nghi thức trước lễ chém trâu, nhưng đến phần hành lễ thì người thực hiện sẽ chỉ cầm chiếc rìu và chém tượng trưng; sau đó, trâu vẫn được đưa vào mổ thịt để chia lộc cho nhân dân. Trước đó, sẽ tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân điều chỉnh tập tục để phù hợp với văn minh lễ hội.

Như vậy, văn minh lễ hội trước hết cần đến sự vào cuộc trách nhiệm, quy củ của những người tổ chức, quản lý, nhưng quan trọng không kém là sự đồng thuận, nâng cao ý thức của chủ thể tham gia chính là quần chúng nhân dân. 

Ông Hồ Mậu Thanh – Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định: “Rút kinh nghiệm tổ chức lễ hội các năm trước, năm nay, ngành sớm gửi báo cáo kế hoạch tổ chức lễ hội đến tất cả các cấp, ngành liên quan để có sự chuẩn bị tốt các khâu. Bên cạnh đó, ngành sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra trước, trong và sau lễ hội, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xử lý kiên quyết những phát sinh tại chỗ, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục về ý nghĩa của lễ hội và di tích cho người dân…”.

Bài, ảnh: Phước Anh

TIN LIÊN QUAN