Sauhội nghị hiệp thương lần thứ haiđể thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026, số lượng người giới thiệu lập danh sách sơ bộ ứng cử đại biểu Quốc hội ở tỉnh là 24 (tỷ lệ 2,46 lần, tính cả trên số người do Trung ương giới thiệu ứng cử). Trong đó tỷ lệ nữ là 66,6%; dân tộc thiểu số 33%; trẻ tuổi 42%; ngoài Đảng 4%; tái cử 15% (chưa tính số người do Trung ương giới thiệu ứng cử).
Số lượng người giới thiệu lập danh sách sơ bộ ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 206/số lượng đại biểu được bầu là 83, đạt tỷ lệ 2,48 lần. Trong đó, tỷ lệ nữ 41%; dân tộc thiểu số là 13,1%; tôn giáo 2%; trẻ tuổi 32%; ngoài Đảng 6%; tái cử 45%.
Theo danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII được lập sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai, trên địa bàn tỉnh có 78 xã, phường, thị trấn có người ứng cử cư trú phải tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú để lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm đối với người ứng cử.
Thông qua hội nghị này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh có cơ sở đánh giá toàn diện, khách quan những người ứng cử để hiệp thương lập danh sách người đủ tiêu chuẩn, tiêu biểu, xứng đáng với tín nhiệm của cử tri tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba.
Tại hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã hướng dẫn việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 cho lãnh đạo Ủy ban MTTQ các huyện, thành, thị và các xã, phường, thị trấn có người ứng cử cư trú, cùng các cơ quan, đơn vị, tổ chức có người giới thiệu ứng cử.
Theo đó, thẩm quyền tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri do Ủy ban MTTQ cấp xã chủ trì phối hợp với UBND cùng cấp. Yêu cầu trong quá trình tổ chức hội nghị, Ủy ban MTTQ cấp xã cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức có người giới thiệu ứng cử và người ứng cử để thống nhất thời gian tổ chức cụ thể, tránh tổ chức hội nghị mà vắng thành phần.
Về phía các cơ quan, tổ chức có người giới thiệu ứng cử cần bố trí thời gian và công việc để tham gia đầy đủ, đồng thời có ý kiến trao đổi tại hội nghị về sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác trước cử tri nơi cư trú để có cái nhìn toàn diện hơn về người ứng cử.
Trách nhiệm của ban công tác mặt trận các khối, xóm, bản có người ứng cử cư trú phối hợp với trưởng khối, xóm, bản lập danh sách và mời cử tri dự hội nghị. Đối với khối, xóm, bản có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể cử tri và yêu cầu đảm bảo đạt 50% tổng số cử tri được triệu tập.
Đối với khối, xóm, bản có trên 100 cử tri, có thể mời toàn thể cử tri hoặc mời đại diện hộ gia đình nhưng phải đảm bảo có 55 cử tri tham gia hội nghị. Đối với trường hợp người ứng cử có nhiều nơi cư trú thì Ủy ban MTTQ cấp xã cần thống với người ứng cử để lựa chọn nơi tổ chức hội nghị.
Thành phần tham gia hội nghị lấy tín nhiệm, ngoài cử tri thì có Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cấp xã, người ứng cử và đại diện của cơ quan tổ chức có người được giới thiệu ra ứng cử.
Thời gian tổ chức hội nghị lấy ý kiến tín nhiệm cử tri nơi cư trú theo quy định từ ngày 21/3 đến 13/4/2021. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh dự kiến công việc này sẽ kết thúc vào ngày 11/4/2021.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhấn mạnh: Việc lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 là một bước quan trọng trong bầu cử để có cái nhìn toàn diện về phẩm chất, đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật của người ứng cử, gia đình người ứng cử, nhằm làm cơ sở cho hội nghị hiệp thương lần thứ ba thỏa thuận lập danh sách chính thức những ứng cử viên xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh cũng nhấn mạnh yêu cầu đối với MTTQ các cấp cần quan tâm nắm tình hình nhân dân để chủ động tuyên truyền và kịp thời phản ánh, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xử lý, đảm bảo công tác bầu cử diễn ra thành công./.