(Baonghean) - Hưng Lợi là xã thuộc vùng chiêm trũng của huyện Hưng Nguyên, cách trung tâm huyện khoảng 16 km về phía Nam. Trên địa bàn xã có cầu Bến Thủy 2 và đường ven sông Lam chạy qua, là cửa ngõ nối TP. Vinh với các tỉnh phía Nam. Trên thực tế, vận dụng lợi thế này, người dân Hưng Lợi đã và đang có những chuyển dịch về lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng thương mại và dịch vụ.

Thời điểm bước vào thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), Hưng Lợi cũng đối mặt với khá nhiều khó khăn, thách thức; cơ sở hạ tầng thiết yếu ngày càng xuống cấp, năng lực sản xuất bộc lộ nhiều yếu kém, để nâng cấp cần nguồn lực đầu tư rất lớn mà ngân sách thì hạn chế, thu nhập người dân chưa ổn định. 

Việc đầu tiên mà Hưng Lợi triển khai sau khi tiếp thu chủ trương xây dựng NTM là thành lập Ban chỉ đạo, sau đó là thành lập Ban quản lý xây dựng NTM để khảo sát, đánh giá các tiêu chí ở địa phương với quy định của cấp trên. Đồng chí Phan Hữu Đạo - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hưng Lợi cho biết: Qua khảo sát đánh giá, khi bắt đầu thực hiện xây dựng NTM xã chỉ đạt 7 tiêu chí nên đưa ra lộ trình là đến năm 2019 mới về đích. Tuy nhiên, quá trình vừa làm vừa vận động, trong đó ưu tiên tiêu chí dễ làm trước, khó thì làm sau nên đến cuối năm 2015, xã đạt 14/19 tiêu chí; đồng thời xã nhận thấy có một số cơ hội thuận lợi nên Đảng bộ xã họp bàn và đặt quyết tâm cả hệ thống chính trị vào cuộc, vận động nhân dân để rút ngắn thời gian về đích.

Một góc nông thôn mới xóm 4, xã Hưng Lợi (Hưng Nguyên). Ảnh: Nguyễn Hải
Một góc nông thôn mới xóm 4, xã Hưng Lợi (Hưng Nguyên). Ảnh: Nguyễn Hải

Mặc dù thu nhập người dân chưa cao, nhận thức về xây dựng NTM còn khá hạn chế, nhưng để tạo đồng thuận và huy động được sức dân Hưng Lợi đã linh hoạt trong khâu tuyên truyền, lấy sự công khai, minh bạch về cơ chế phân cấp đầu tư hỗ trợ của cấp trên để người dân chủ động lựa chọn. Khi người dân đã đồng thuận, thì xóm quyết tâm làm, khó đến đâu báo cáo xã để tháo gỡ ngay và làm bằng được. Nhờ cách làm này mà một số xóm không chỉ đi đầu trong thực hiện dồn điền, đổi thửa mà còn huy động tốt sức dân để làm được nhiều hạng mục hạ tầng thiết yếu khác. Điển hình có xóm 4, trong 3 năm huy động được 700 triệu đồng thực hiện xong dồn điền, đổi thửa, bê tông hóa kênh mương; đồng thời sửa sang, nâng cấp lại nhà văn hóa xóm, bê tông hóa làm đường qua xóm và kênh mương nội đồng. Với khí thế trên, trong vòng 5 năm, xã Hưng Lợi huy động được trên 20 tỷ đồng để bê tông hóa 11 km/11 km đường trục xã, trục xóm; cứng hóa 20 km đường ngõ xóm; duy tu, bảo dưỡng 2 trạm bơm trục ngang công suất lớn, bê tông hóa 12,5 km/14,5 km kênh mương, đảm bảo nước sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân.

Làm giao thông nông thôn tại xã Hưng Lợi. Ảnh: Tư liệu.

Cùng với đầu tư vào lĩnh vực giao thông và thủy lợi, xã Hưng Lợi cũng có cách làm hợp sức mình trong đầu tư, hỗ trợ nâng cấp cơ sở vật chất văn hóa. Vừa chỉnh trang lại thiết chế văn hóa tại trung tâm xã, xã có cơ chế hỗ trợ các xóm đầu tư, nâng cấp nhà văn hóa. Những nhà văn hóa xóm đã cũ, thay vì làm mới kinh phí quá lớn, xã khuyến khích các xóm có kế hoạch huy động sức dân phù hợp nâng cấp và ưu tiên đầu tư nội thất, đảm bảo sinh hoạt cộng đồng. Hiện khu vực trung tâm hành chính xã và nhà văn hóa các xóm đều đã được chỉnh trang sạch, đẹp và giữ được bản sắc làng quê như giếng làng, cây đa cổ… 

Bên cạnh đầu tư hạ tầng thiết yếu, để nâng cao đời sống nhân dân, tận dụng lợi thế của xã vùng ven sông Lam và gần thành phố Vinh, Hưng Lợi đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tạo điều kiện tối đa để người dân phát triển các ngành nghề ngoài nông nghiệp. Năm 2016, khi mô hình HTX cũ không phát huy hiệu quả, xã tiến hành đại hội và giải thể; sau đó tạo điều kiện để các tổ dịch vụ thủy nông tại các xóm ra đời. Xã cũng xây dựng các đề án, trên cơ sở đó khuyến khích người dân lập các tổ hợp tác để thúc đẩy các nghề xã có thế mạnh như thợ xây, trục vớt tàu thuyền, vận chuyển cát sỏi, sản xuất nước sạch… Đến thời điểm này, Hưng Lợi có trên 300 lao động làm các nghề cho thu nhập cao như nghề chở cát trên sông và lặn, trục vớt tàu thuyền và 115 lao động đi xuất khẩu. Nhờ ngành nghề phát triển nên dù là xã thuần nông nhưng nông nghiệp của Hưng Lợi chỉ chiếm 23%, còn lại là dịch vụ thương mại; năm 2016 thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng.

Khám, chữa bệnh tại Trạm Y tế xã Hưng Lợi (Hưng Nguyên). Ảnh: Nguyễn Hải

Việc người dân có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định là cơ sở để xã hoạch định các chính sách an sinh xã hội. Sau khi lồng ghép đầu tư nâng cấp cơ sở khám, chữa bệnh cho người dân, xã quan tâm xây dựng mạng lưới khám, chữa bệnh ban đầu vững mạnh, tích cực triển khai chính sách bảo hiểm y tế và giúp đỡ hộ nghèo. Về giáo dục, đến nay, ngoài 2 trường mầm non và tiểu học đã đạt chuẩn quốc gia, xã đạt đã chuẩn quốc gia về y tế; không còn nhà dân tạm bợ, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,8%.

Nhìn lại chặng đường đã đi qua, đồng chí Phan Huy Đạo - Chủ tịch UBND xã phấn khởi nói: Với sự đồng thuận của người dân và lồng ghép hiệu quả các dự án, trong vòng 5 năm, xã huy động được kinh phí đầu tư gần 83 tỷ đồng để thực hiện 19/19 tiêu chí, trong đó nổi bật là hạ tầng giao thông và các thiết chế văn hóa. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của cấp trên và nhất là sự đồng lòng, ủng hộ của người dân như thế, nên xã đã hoàn thành xuất sắc và về đích NTM trước 3 năm. Trong thời gian tới, cùng với tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, để tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, Hưng Lợi đang từng bước quy hoạch vùng sản xuất các thực phẩm rau màu an toàn để cung cấp cho địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, xã cũng khuyến khích người dân mạnh dạn “ly nông” làm các ngành nghề dịch vụ có chuyên môn, thế mạnh như xây dựng, vận chuyển cát sỏi… Được như vậy thì Hưng Lợi cùng một lúc vừa hoàn thành mục tiêu tạo việc làm ổn định cho người dân, vừa từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thích ứng với quá trình hiện đại hóa nông thôn. 

Nguyễn Hải

TIN LIÊN QUAN