Giữa tuần vừa qua, gia đình ông Vi Văn Ý trú ở bản Liên Sơn, xã Lục Dạ, huyện Con Cuông làm lễ mai táng người vợ xấu số là Vi Thị Thân bị ong rừng tấn công và đã tử vong trên đường đến bệnh viện cấp cứu. Người phụ nữ 50 tuổi này bị vô số vết ong đốt trên người... Nỗi đau vẫn đè nặng khiến ông Ý không mấy thoải mái khi chuyện trò với phóng viên.
Bà Thân, sinh năm 1968, sống bằng nghề hái lượm các sản vật từ rừng. Hôm đó, bà một mình đi vào một ngọn núi ở bản Làng Cằng, xã Môn Sơn, cách nhà chừng 10km. Nghe đâu đây là nơi có nhiều ong rừng làm tổ nên chẳng mấy ai dám đến hái măng. Có thể người phụ nữ này cho rằng, chỉ cần cẩn trọng một chút chắc sẽ chẳng hề hấn gì. Rừng ít người vào cũng sẽ dễ kiếm lâm sản phụ hơn.
Đến 4 giờ chiều, mọi người mới phát hiện bà Thân trong tình trạng đã hôn mê tại một hang đá. Sau khi cõng bà xuống núi, mọi người nhanh chóng gọi xe cấp cứu nhưng bà Thân đã tử vong rất nhanh sau đó.
Bà Thân không thạo về ong rừng. Cái chết của bà có thể là do tai bay vạ gió khi vô tình sa vào tổ ong. Thế nhưng 3 tuần trước đó, cũng ở xã Lục Dạ có một người đàn ông trú bản Hua Nà tử vong do ong rừng đốt. Trường hợp này gặp nạn trong khi đi bắt ong rừng: Anh Lô Văn Duyệt (sinh năm 1976) có mặc đồ bảo hộ khi đi bắt ong. Chẳng may bộ đồ bảo hộ bị rách nên đàn ong chui vào người tấn công. Những người bạn đi cùng đưa anh Duyệt đến trạm y tế cấp cứu nhưng nạn nhân được xác định là đã tử vong trước đó.
Những trường hợp bị ong rừng tấn công không phải hiếm gặp. Như báo chí đã đưa tin thì chỉ trong tháng 9/2018 riêng ở Nghệ An xảy ra 2 vụ các nạn nhân nhập viện do bị ong đốt. Một học sinh lớp 3 ở xã Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn) nhập viện trong tình trạng khó thở sau khi cùng nhóm bạn đi phá tổ ong.
Một trường hợp nữa xảy ra vào cuối tháng 9/2018 khi một gia đình người Mông ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong bị đàn ong rừng bất ngờ tấn công khiến 7 người phải nhập viện.
Bị ong đốt thì không hiếm, song 2 trường hợp tử vong kể trên được xác định nguyên nhân do ong vò vẽ đốt. Hiện tại đã qua mùa ong mật, thế nhưng mùa thu lại là thời gian hoạt động mạnh của ong vò vẽ và những loài ong rừng không có mật khác. Chúng chọn những hốc đất, cành cây, bụi rậm xây tổ. Đây cũng là thời điểm ong rừng trở nên hung hãn nhất.
Các làng bản địa bàn miền núi thường có nhiều cây xanh nên thu hút các đàn ong đến làm tổ. Những đàn ong sinh sống gần các khu dân cư đang ngày càng trở nên hung dữ. Một nguyên nhân được cho là do không ít người có thói quen bắt ong lấy nhộng, hoặc chỉ đơn giản là chọc phá. Bị quấy nhiễu, những đàn ong rừng sẽ chủ động tấn công người dù đang cách tổ của chúng một khoảng cách xa.
Gần đây, trên địa bàn huyện Con Cuông xuất hiện những nhóm người đến bắt ong lấy nhộng. Họ bỏ tiền trang bị đồ bảo hộ nên việc bắt ong tương đối dễ dàng. Ông Lương Văn Bua, trú xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương trong một nhóm săn ong vò vẽ ở Con Cuông cho biết: Chỉ cần bỏ ra hơn 1 triệu đồng là có thể sắm một bộ đồ bảo hộ để bắt ong. Khi đã trang bị “bảo bối” này thì chỉ việc xông vào bắt ong lấy nhộng mà chẳng sợ bị đốt.
Bài học nhãn tiền về trường hợp tử vong của anh Lô Văn Duyệt có lẽ chưa được nhóm người săn ong này biết đến. Họ vẫn tỏ ra rất tự tin với bộ đồ bảo hộ khi xông vào những tổ ong. Có lẽ khoản thu nhập 250.000 đồng cho 1kg nhộng ong đã quá hấp dẫn họ.
Tuy nhiên khi nhóm người này rời đi, các đàn ong vỡ tổ trở nên rất hung hãn. Ông Lao Văn Năm, một cư dân ở xã Chi Kê, huyện Con Cuông cho hay, trong 2 ngày liền những đàn ong bị phá tổ bay tản mát trên một diện rộng khiến nhiều người không dám vào vùng sản xuất của họ.
Mùa ong vò vẽ đang mang lại những ẩn họa hơn là lợi ích kinh tế cho những người săn bắt. Tuy vậy hiện tại trên nhiều địa bàn miền núi, bắt ong vò vẽ lấy nhộng vẫn đang là một sở thích của không ít người. Đó là một thực trạng cần cảnh báo./.