(Baonghean) - Từ định hướng của nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân sau khi thu hồi đất, đã tạo nên diện mạo mới cho xã ven đô Hưng Đông (TP. Vinh). Dù không phải xã điểm, nhưng Hưng Đông thuộc tốp xã về đích đầu tiên của tỉnh về xây dựng Nông thôn mới.

Ông Trần Anh Tấn, Bí thư Đảng ủy xã Hưng Đông, cho biết: Đảng ủy xã có những nghị quyết chuyên đề rất có hiệu quả thực tiễn, được đảng viên và nhân dân tích cực thực hiện, trong đó, phải kể đến 2 nghị quyết: Nghị quyết số 04- NQ/ĐU về “Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới” và Nghị quyết số 10- NQ/ĐU về “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân sau khi thu hồi đất”. 

Về xã Hưng Đông đúng vào dịp xã đang chuẩn bị đón nhận danh hiệu Xã chuẩn quốc gia xây dựng nông thôn mới, thấy được bao đổi thay của xã ven đô sau 3 năm phấn đấu xây dựng. Bắt đầu từ hệ thống giao thông, nối từ các tuyến đường chính được Nhà nước đầu tư, đến những tuyến đường liên xóm, và tổ dân cư do nhân dân đóng góp đều được thực hiện theo quy hoạch nền hóa bê tông thoáng, rộng và sạch sẽ. Chúng tôi đến thăm gia đình đảng viên Nguyễn Trường Tam, Xóm trưởng xóm Trung Thành. Trên khu vườn không quá rộng là màu xanh mướt của các loại rau non. Khu vườn được bố trí hợp lý, ngăn nắp và có nhà lưới. Ngoài ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng rau sạch, ông còn năng động trong việc tìm, đưa các loại giống rau cao cấp như: cải đuôi phụng, cải thảo, xà lách tím... Do vậy, với diện tích chỉ vỏn vẹn 500m2, mỗi năm cho thu nhập đến hơn 100 triệu đồng.

Sự năng động, gương mẫu của 2 vợ chồng đảng viên Xóm trưởng Nguyễn Trường Tam đã tạo sự lan tỏa cho 187 hộ dân trong xóm học tập, làm theo. Xóm Trung Thành nghèo khó mấy năm trước đây đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành xóm đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển mô hình trồng rau sạch, mô hình trồng hoa hàng hóa. Thực hiện nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, xóm đã có được cơ sở hạ tầng đạt chuẩn và trên chuẩn: nhà văn hóa 135 chỗ ngồi, có thiết chế đồng bộ; sự đóng góp của nhân dân trong xây dựng 7 tuyến đường giao thông nội xóm chiều dài 2.000m. Tổng nguồn huy động nội lực toàn xóm xây dựng nông thôn mới đạt trên 3,5 tỷ đồng, tính ra, bình quân mỗi hộ hiến đất, đóng góp đến gần 20 triệu đồng. Điều có tính chất nền tảng để có được một Trung Thành đổi mới là các hộ dân đều say sưa phát triển kinh tế, nhiều mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả đã được bà con áp dụng. Nhiều gia đình trở thành điển hình trong xây dựng NTM như Trần Văn Đệ, tự nguyện hiến đất để xây dựng mương thoát nước, hay hộ bà Trần Thị Năm, đóng góp đến hơn 40 triệu đồng cùng với các hộ khác tuyến đường vào cụm dân cư. 

Đến Hưng Đông, chạy xe trên những con đường “nông thôn mới”, qua các xóm Trung Thành - Trung Mỹ - Trung Long, xung quanh là làng rau sạch với những mái che, rồi đến làng hoa, cây cảnh rực rỡ khoe sắc ngay trong mùa hè, diện mạo NTM đang hiện hữu nơi vùng đất ven đô này. 

Câu chuyện về một ha đất sau chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho tiền tỷ không còn hiếm. Hòa vào không khí làm hàng rau chuẩn bị cho phiên chợ sớm, chúng tôi vào thăm gia đình ông Nguyễn Hữu Bích, xóm Mỹ Long. Một quy trình sản xuất rau hoàn toàn mới đã được gia đình bác áp dụng trên diện tích 1.500 m2, không những đầu tư nhà lưới 2 lớp mà còn lắp đặt hệ thống tưới pep đồng bộ. Chi phí đầu tư khoảng 20 triệu đồng, nhưng bù lại vừa đảm bảo tưới cho rau, giảm lực lượng lao động. Trước đây, gia đình ông làm nhiều loại rau, nhưng do ít lao động nên toàn bộ khu vườn chỉ trồng rau mùi thơm. Mỗi năm xuống giống khoảng 7 lứa rau mùi, trừ chi phí gia đình ông cũng thu được gần 150 triệu đồng. Ông Bích cho biết: Nhờ có sự hướng dẫn tận tình của cán bộ nông nghiệp xã, của xóm nên tôi mới mạnh dạn chuyển đổi sang đầu tư phát triển kinh tế vườn, sản xuất rau hàng hóa. Cách làm này cho thu nhập cao, 5 sào ruộng của gia đình hiệu quả thấp đã chuyển đổi cho các hộ khác làm. Các hộ dân xóm Mỹ Long đã chuyên nghiệp hóa cao trong sản xuất rau, tiêu thụ sản phẩm đã có lực lượng thu mua tại vườn.

Vườn rau của gia đình ông Nguyễn Hữu Bích.

Hóa ra, để Nghị quyết của Đảng ủy xã đi vào cuộc sống hiệu quả chính là các nghị quyết đó đã căn cứ vào điều kiện thực tế và xác định rất rõ chủ thể thực hiện, hưởng thụ. Ví như xây dựng NTM, nông dân là chủ thể, do vậy, trong quá trình triển khai thực hiện, xã và các xóm đều theo nguyên tắc: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ. Cách thức triển khai thành lập các tổ vận động, chọn các công trình, hạng mục làm điểm, từ xóm đến xã. Đổi mới công tác chỉ đạo, tuyên tuyền, vận động, công khai dân chủ. Cán bộ, đảng viên, công chức mỗi người ít nhất 1 ngày lương và mức cụ thể cho các đối tượng hưởng lương, phụ cấp khác được trên 200 triệu đồng vào quỹ xây dựng nông thôn mới. Cũng từ cách vận động bài bản, mà nghị quyết về xây dựng nông thôn mới của Đảng ủy xã đã huy động được người dân tự nguyện hiến hơn 7.424 m2, phá dỡ các công trình phục vụ cho GPMB làm đường GTNT. Tổng nguồn vốn huy động đạt trên 339 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp và hiến đất ước tính trên 255 tỷ đồng, chiếm trên 75% nguồn vốn. Việc đạt tiêu chí NTM nghĩa là Hưng Đông đã có được một hệ thống hạ tầng, các thiết chế đạt chuẩn thì các mô hình làng nghề hoa, cây cảnh ở xóm Trung Mỹ, rau nhà lưới tại HTX Đông Vinh, rau an toàn theo hướng VietGAP tại HTX Hưng Đông 2, mô hình nuôi gà an toàn sinh học... đã tạo cho xã có một cơ sở ngành nghề kinh tế vững chắc với tỷ lệ hộ khá, giàu trên 70%, hộ nghèo chỉ còn 1,2%... 

Hữu Nghĩa