(Baonghean) - Sau một tháng lao động miệt mài của các tác giả, Trại sáng tác văn học về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an phối hợp tổ chức tại TX Cửa Lò đã kết thúc. Nhiều tác phẩm có chất lượng cao đã ra đời...

Về dự trại sáng tác lần này có 46 nhà văn thuộc nhiều thế hệ và lĩnh vực công tác. Bên cạnh một số tác giả đã được bạn đọc biết đến lâu nay như: Tôn Ái Nhân, Phan Quế, Nguyễn Hiếu, Phạm Quang Đẩu, Đỗ Thị Hiền Hòa, Nguyễn Đăng An, Thanh Hương… còn có thêm nhiều gương mặt như: Vũ Thị Hồng, Thu Trang, Nguyễn Quang, Sỹ Chân, Phan Lưu, Phạm Thuận Thành, Hữu Phương, Nguyễn Trọng Tân, Thế Đức, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Đinh Thường, Nguyễn Văn Cự, Đoàn Hữu Nam, Văn Chinh… 

Các đại biểu tham quan gian trưng bày các tác phẩm.

Trại sáng tác văn học về đề tài này khởi nguồn bởi ý tưởng của Trung tướng, nhà văn Hữu Ước từ giải "Cây bút vàng" năm 1997 do Tạp chí Văn hóa văn nghệ Công an - tiền thân tờ Văn nghệ Công an bây giờ. Từ đó đã tạo điều kiện để những nhà văn tâm huyết chuyển tải đến bạn đọc những trang viết về chiến công thầm lặng của lực lượng Công an, những thân phận, cuộc đời gắn liền với hoạt động an ninh trật tự bằng tiểu thuyết, truyện ký, truyện ngắn, ký sự nhân vật.

Theo nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hà thì mảng công an nhân dân là một đề tài phong phú, hấp dẫn, giàu tình người nhưng không dễ thể hiện. Vì vậy, chỉ có chuyên tâm đi sâu vào đời sống riêng chung của cán bộ, chiến sỹ công an mới có thể vượt qua được những trang viết sơ lược, minh họa hoặc tường thuật vụ án để vươn tới sự đích thực của văn học.

Hầu hết các nhà văn đến với trại sáng tác lần này đều đã có đề cương chi tiết đăng ký với Ban tổ chức, hoặc đã hoàn thành một vài chương... Tuy nhiên, non một tháng để cho ra đời một tác phẩm văn học, với thể loại tiểu thuyết, truyện và ký viết về đề tài an ninh trật tự quả là khó! Vì vậy, thành quả thật đáng trân trọng.

Trong số đó phải kể đến nhà văn Tôn Ái Nhân, tác giả của những tác phẩm đã được nhiều người biết đến, như: “Trinh sát Hà Nội”, “Tìm em trong hoàng hôn”… trong những ngày ở trại sáng tác, nhà văn đang gấp rút hoàn thiện tiểu thuyết “Bão gầm trên đất Rồng bay”, dự kiến khoảng 700 trang in. Tác phẩm dựa trên những tư liệu có thật và thể hiện cuộc chiến đấu của người chiến sĩ công an nhân dân những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám.

Nhà văn Phạm Quang Đẩu từng thành công với tiểu thuyết “Đơn tuyến” viết về cuộc đời của nhà tình báo, nhà khoa học, Thiếu tướng Nguyễn Đình Ngọc. Lần này về với trại sáng tác anh tiếp tục hoàn thiện cuốn tiểu thuyết về điều thiện, điều ác ở đời với tựa đề “Mê tỉnh”.

Nhà văn Sỹ Chân, người có nhiều năm làm báo, làm sách, sau cuốn “Chìa khóa mật”, lần này anh tham gia trại sáng tác với tiểu thuyết tình báo có tên “Bí mật quân cờ”. Tác phẩm dựng lại chân dung các nhóm chính trị phản động ở Việt Nam và những ứng phó hiệu quả của lực lượng Công an nhân dân. Cao tuổi nhất trong số các cây bút nữ là nhà văn Vũ Thị Hồng. Về với trại sáng tác, chị tiếp tục hoàn thiện tiểu thuyết “Mùa thu ở lại” phản ánh cuộc sống với nhiều vất vả, bươn chải của người phụ nữ Việt Nam trong và sau chiến tranh. Nhà văn nữ Thu Trang thuộc lực lượng Công an, sau “Một kiếp lênh đênh”, một số tập truyện ngắn và thơ in trước đây, lần này về trại, chị tham gia với những trang truyện ký “Dấu tích một thời”, dựng lại chân dung một chiến sĩ Công an tiền phương ở Liên khu I Bắc Giang thời kháng chiến chống Pháp…

Những bản thảo “dang dở” khác, như: “Điệp viên mang mật danh F5” của nhà văn Thanh Hương, “Sau cánh cổng chùa” của Phan Lưu, “Ả và gã ấy” của Nguyễn Hiếu… cũng đều khá đa dạng về thi pháp và đề cập nhiều đối tượng, lĩnh vực của đời sống.

Theo đánh giá của Trung tướng Bùi Bá Định, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Phó Chủ tịch thường trực hội đồng chỉ đạo cuộc thi: Các nhà văn đã mở rộng đề tài, thể loại, quan niệm về bình yên cuộc sống, đến hạnh phúc gia đình và xã hội. Đặc biệt, nhiều tác phẩm đã tập trung phản ánh cuộc đấu tranh phòng chống các loại tội phạm giữa thời bình một cách quyết liệt và bám sát thực tế hơn; tứ và cốt truyện cũng có sự đổi mới về bút pháp nghệ thuật, tinh tế, thẩm mỹ, vì vậy các tác phẩm chất lượng hơn…

Có thể thấy, hình ảnh người chiến sĩ công an, mặc dù được miêu tả trực tiếp hoặc gián tiếp, là nhân vật chính hay chỉ xuất hiện trong những tình huống đặc biệt, đều nhằm khắc họa một cách chân thực và sinh động những tấm gương “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Đặc biệt, thông qua các tác phẩm viết về đề tài an ninh, các nhà văn đã góp phần khẳng định nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống là sự nghiệp của toàn dân, với sự tham gia đắc lực của nhiều lực lượng. Qua đó, giúp bạn đọc có cái nhìn cảm thông, chia sẻ với những vất vả, hy sinh thầm lặng của họ, nhờ vậy nhân dân sẽ càng thêm tin yêu, hợp tác tốt cùng lực lượng Công an, góp phần bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đó cũng là một trong những mục tiêu mà cuộc thi sáng tác văn học đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” hướng tới! 

Quảng An

TIN LIÊN QUAN