Ở Việt Nam, các đô thị chiếm 10% diện tích cả nước nhưng đóng góp tới hơn 70% tổng thu ngân sách toàn quốc (GDP), trong đó, 5 thành phố trực thuộc Trung ương chiếm 50% GDP cả nước. Việt Nam đã có gần 20 tỉnh, thành phố khởi động các đề án về đô thị thông minh.
Các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) lớn đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác xây dựng đô thị thông minh với các tỉnh, thành phố.
Quyết định số 1819/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước đã đưa ra mục tiêu và nhiệm vụ: Triển khai đô thị thông minh ít nhất tại ba địa điểm theo các tiêu chí do Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn. Nghị quyết số 05/NQ-TW về “Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế” cũng nêu nhiệm vụ ưu tiên phát triển một số đô thị thông minh.
» Thành phố Vinh: Cho phép ô tô đỗ trên vỉa hè một số tuyến phố
Trên cơ sở đó, ngày 21, 22/6, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Cơ quan phát triển thương mại Hoa Kỳ tổ chức hội thảo "Hợp tác phát triển về đô thị thông minh giữa Việt Nam - Hoa Kỳ". Hội thảo nhằm đưa ra cái nhìn tổng thể về thời gian, lộ trình, mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử để hướng tới xây dựng thành phố thông minh. |
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi một số nội dung như: Sáng kiến đô thị thông minh, thử thách và cơ hội toàn cầu; đô thị thông minh và mạng lưới vạn vật kết nối; phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam; mối liên hệ giữa hoạch định đô thị thông minh và vận tải thông minh; dịch vụ cho công dân và Chính phủ điện tử; nguồn tài chính và lộ trình thực hiện xây dựng thành phố thông minh...
Theo ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, để phát triển bền vững và hướng tới xây dựng thành phố thông minh, thành phố Hà Nội xác định việc ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin trong các lĩnh vực quan trọng và cấp thiết.
Tại đó, công nghệ thông tin và truyền thông được ứng dụng, làm cho việc xây dựng, quản lý, phát triển thành phố trở nên hiệu quả hơn, thông minh hơn; đồng thời cung cấp dịch vụ, tiện ích tới người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến cung cấp các dịch vụ công mức 3 ở những lĩnh vực như: Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông trên một nền tảng thống nhất, đồng bộ tại 30 quận, huyện và 584 xã, phường trên địa bàn.
Thành phố hiện có 391 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (trong đó 281 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 110 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4) đạt gần 20,4% tổng số thủ tục hành chính của cơ quan Nhà nước thành phố.
Tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng của một số dịch vụ công đạt kết quả cao như: Lĩnh vực tư pháp khối xã, phường, quận, huyện đạt trên 90%; đăng ký kinh doanh trên 70%; thuế 97%...Thời gian tới, thành phố sẽ hoàn thành ít nhất 55% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3; hoàn thành xây dựng hệ thống 1 cửa điện tử dùng chung 3 cấp kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
Mục tiêu thành phố Hà Nội đặt ra trong xây dựng thành phố thông minh đến năm 2020 là hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh gồm: Nền tảng cơ sở hạ tầng (mạng viễn thông băng rộng, hệ thống các cảm biến, camera giám sát, hạ tầng an ninh, an toàn thông tin, Trung tâm Dữ liệu...); các cơ sở dữ liệu cốt lõi (dân cư, đất đai, doanh nghiệp...); hoàn thành xây dựng Chính quyền điện tử Hà Nội...
Trên mục tiêu đó, Hà Nội xác định phát triển chính quyền điện tử làm nòng cốt để xây dựng thành phố thông minh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi giao tiếp với cơ quan chính quyền, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên cơ sở lựa chọn những lĩnh vực thiết yếu nhất.
Tại hội thảo, đại diện thành phố Đà Nẵng cũng chia sẻ kinh nghiệm của địa phương này về xây dựng hệ thống dữ liệu công nghệ thông tin chung. Tại hệ thống dữ liệu đó, người dân, doanh nghiệp có thể tham gia ý kiến, gửi hình ảnh, theo dõi kết quả giải quyết công việc của các sở, ngành và chấm điểm các sở, ngành.
Năm 2016, tại hệ thống dữ liệu chung, Đà Nẵng đã nhận được hơn 10.000 ý kiến, chia sẻ của người dân về các lĩnh vực giao thông, y tế môi trường. Đà Nẵng cũng đã cung cấp wifi miễn phí, tạo thuận lợi cho người dân trong tiếp cận hệ thống dữ liệu chung.
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc xây dựng thành phố thông minh do tốc độ đô thị hóa nhanh ở các nước trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á và châu Phi.
Quá trình đô thị hóa phát sinh nhiều vấn đề và là thách thức đối với các nhà quản lý cũng như đô thị vì vậy, các quốc gia, địa phương cần thiết phải xây dựng thành phố thông minh. Phía Hoa Kỳ sẵn sàng tài trợ, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng thành phố thông minh cho Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Mạnh Khánh/baotintuc