Việt Nam có diện tích rừng lớn. Tuy nhiên, tài nguyên rừng đang dần bị cạn kiệt, đặt ra những thách thức lớn trong việc bảo vệ và sử dụng tài nguyên rừng. Nhật Bản là một trong số nhiều quốc gia có những hợp tác hiệu quả với Việt Nam trong hoạt động lâm nghiệp.

 

Hợp tác quốc tế về lâm nghiệp vì sự phát triển bền vững của Việt Nam ảnh 1 Các chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam  trong một dự án trồng rừng chắn cát tại Việt Nam (Ảnh: JICA)

Địa hình và thời tiết phức tạp của Việt Nam đã tạo ra tính đa dạng của hệ sinh thái rừng. Với hệ sinh thái đa dạng này, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, rừng của Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng trong những năm qua. Hai cuộc chiến tranh, quá trình di cư, khai thác bừa bãi và quản lý rừng không bền vững đã dẫn đến việc suy giảm diện tích rừng từ 43% năm 1943 xuống còn 28% năm 1995. Rừng tự nhiên bị tác động đáng kể với việc giảm diện tích, chất lượng và sản lượng gỗ trong từng cánh rừng và chia cắt cảnh quan.

 

Với những nỗ lực quốc gia và sự hợp tác quốc tế có hiệu quả trong lĩnh vực lâm nghiệp, đến năm 2009, diện tích rừng đã được phục hồi tương đương 39,1%, trong đó hơn 10,3 triệu ha là rừng tự nhiên, hơn 2,9 triệu ha là rừng trồng. Thành quả đó đã góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của Việt Nam trong những năm tới. Gần đây, mặc dù diện tích rừng tăng song vẫn còn những mối đe dọa giảm diện tích như chuyển đổi sang đất canh tác nông nghiệp, phát triển hạ tầng kinh tế như đường bộ, thủy điện, khai thác không bền vững, khai thác trái phép và cháy rừng.

 

Gần 25 triệu người, trong đó có 12 triệu đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống trong rừng và một phần lớn trong số họ phụ thuộc vào rừng. Rừng là nguồn thu nhập quan trọng đối với họ vì rừng cung cấp gỗ và lâm sản ngoài gỗ, rừng tạo cơ sở sinh sống và sản xuất ổn định thông qua việc bảo tồn nước và đất, duy trì cảnh quan cho nhu cầu giải trí, du lịch và các lợi ích khác. Vì vậy, việc cân bằng phát triển kinh tế nông thôn thông qua sử dụng rừng bền vững là rất quan trọng đối với Việt Nam .

 

Kể từ khi nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam kể từ năm 1992 đến nay, Nhật Bản là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam. Thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Nhật Bản đã có nhiều hợp tác với Việt Nam trong hoạt động lâm nghiệp. Hiện nay, JICA đang hợp tác với Chính phủ Việt Nam nhằm chứng minh vai trò đa chức năng của rừng và tối đa hóa lợi ích của tài nguyên rừng cho con người. Các lĩnh vực hợp tác chính giữa hai nước trong hoạt động lâm nghiệp bao gồm: hỗ trợ chính sách, quản lý rừng bền vững, phát triển sinh kế của cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và lâm nghiệp.

 

Một trong số rất nhiều dự án hợp tác giữa hai nước phải kể đến Dự án xây dựng hệ thống dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia. Hiện nay, đa dạng sinh học đang đối mặt với việc suy giảm nghiêm trọng do phát triển kinh tế nhanh và thay đổi sử dụng đất. Kiến thức có lợi cho bảo tồn đa dạng sinh học bị phân tán trên khắp cả nước và do các thực thể khác nhau sở hữu. Thiếu hệ thống điều tra theo dõi và đánh giá đa dạng sinh học cũng đang cản trở việc tích lũy các số liệu thống nhất. Trước thực trạng này Dự án xây dựng hệ thống dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia ra đời với sự hỗ trợ của Nhật Bản.

Dự án này có mục tiêu xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia. Dự án được thực hiện từ tháng 11/2011 đến tháng 3/2015. Nam Định được chọn là tỉnh thí điểm đầu tiên xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học. Trên cơ sở đó sẽ tiếp tục xây dựng, vận hành, hoàn thiện và phát triển góp phần quản lý thông tin, dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học một cách đồng bộ, thống nhất phục vụ công tác quản lý đa dạng sinh học ở trong thời gian tới.

 

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ NN&PTNT và JICA, dự án nghiên cứu về tiềm năng rừng và đất liên quan đến biến đổi khí hậu đã được thực hiện. Mục tiêu của nghiên cứu là đóng góp vào việc tạo thuận lợi và sự sẵn sàng cho việc thực hiện các nỗ lực quốc tế nhằm giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu trong khuôn khổ Hiệp ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu.

 

Dự án quản lý rừng bền vững vùng đầu nguồn Tây Bắc cũng được Nhật Bản hỗ trợ thực hiện từ tháng 8/2010. Dự kiến đến năm 2015 dự án sẽ hoàn thành. Việc ngăn chặn phá rừng cũng như tăng cường trồng rừng có tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống của con người không chỉ ở trong vùng Tây Bắc mà còn ở vùng hạ lưu. Dự án nhằm 2 mục tiêu là quản lý rừng có sự tham gia của cộng đồng địa phương và phát triển sinh kế của họ. Tỉnh Điện Biên là vùng đầu nguồn quan trọng của Tây Bắc và là địa phương thực hiện dự án này.

 

ó thể thấy, thông qua các dự án thuộc 5 lĩnh vực hợp tác đã kể trên, hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đã góp phần đáng kể trong việc cải thiện chất lượng rừng ở Việt Nam. Có nhiều dự án đã hoàn thành nhưng có nhiều dự án mới được hoặc đang triển khai. Trong thời gian tới, những dự án này sẽ tiếp tục góp sức cho công cuộc bảo vệ tài nguyên rừng và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ở Việt Nam. /.

Theo ĐCSVN-M