Nói về đề xuất có thể hợp nhất, sáp nhập 17 sở trong dự thảo thảo Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, TP trực thuộc TƯ, ủy viên thường trực UB Tài chính Ngân sách của QH Lê Thanh Vân cho rằng dường như Bộ Nội vụ mới làm được việc cộng dồn các đơn vị theo nguyên tắc cơ học. 

081002-2.jpgÔng Lê Thanh Vân. Ảnh: Phạm Hải

“Một xã hội phát triển như chúng ta hiện nay thì xu hướng chung là xã hội lớn mà nhà nước hẹp. Gốc rễ của vấn đề này vẫn chưa được Bộ Nội vụ giải quyết thấu đáo”, ĐB Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Cơ hội diệt trừ tham nhũng

Như ông nhận xét, đề xuất của Bộ Nội vụ chỉ mới cộng dồn, mang tính cơ học, vậy có xảy ra tình trạng sau khi hợp nhất sở chỉ thu hẹp đầu mối bên ngoài nhưng bên trong lại phình ra?

Vấn đề đặt ra là nhân cơ hội này phải rà lại việc thực hiện các chức năng của các cơ quan nhà nước, mở rộng hay thu hẹp.

Một số chức năng dịch vụ công đang thuộc về các cơ quan hành chính nhà nước mà xã hội làm được thì nên trao việc đó cho xã hội. Các đơn vị sự nghiệp công lập, cái nào xã hội hóa được, tự cân đối thu chi được thì có thể giải phóng...

Từ đó mới định vị ra, với việc thực hiện chức năng đó thì có bao nhiêu nhiệm vụ và nhiệm vụ đó hình thành bao nhiêu nhóm nhiệm vụ có cùng tính chất, từ đó xác định các thiết chế nhà nước tương ứng.

Thứ hai là sắp xếp lại đội ngũ cán bộ. Đây là dịp chúng ta nhận diện lại chất lượng đội ngũ cán bộ. Lửa lò của Tổng bí thư đang nóng, đây là cơ hội để vừa diệt trừ tham nhũng cả về kinh tế và quyền lực, loại bỏ đội ngũ cán bộ vừa không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, vừa vi phạm tiêu chuẩn lại sẵn lòng tham nhũng ra khỏi bộ máy.

Để làm được điều thứ nhất và thứ hai thì phải có chính sách trọng dụng nhân tài.

Làm tốt được 3 việc này sẽ có một bộ máy gọn gàng, tinh nhuệ, hiệu quả, không chỉ đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phù hợp với lộ trình đang đi mà còn tiết giảm ngân sách, cơ cấu lại nguồn chi, giúp giảm áp lực về ngân sách và nợ công...

Cách làm khác

Có ý kiến cho rằng việc hợp nhất không nên để địa phương quyết mà quy định “cứng” sở nào sáp nhập với sở nào, tránh việc địa phương chần chừ không quyết tâm làm hoặc sẽ lựa chọn phương án ít đụng chạm nhất?

Về nguyên tắc, tôi đồng tình với Bộ Nội vụ nhưng cách làm thì khác.

Hướng Bộ Nội vụ đưa ra là đúng vì 63 tỉnh thành là 63 cá thể về hành chính không đồng dạng về lợi thế vị trí, dân cư, ngành nghề, tiềm năng phát triển... Như vậy, mô hình tổ chức bộ máy có thể khác nhau.

Vấn đề là chúng ta đưa ra định dạng có tính nguyên tắc để các địa phương tự lựa chọn mô hình của mình, nhưng nếu không có điều kiện kèm theo sẽ tùy tiện trong việc thiết lập bộ máy và không khắc phục được sự lạm dụng trong xác lập bộ máy.

Quan trọng nhất, đi kèm với đó là 3 điều kiện. Thứ nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, anh lựa chọn nếu sai phải chịu trách nhiệm cụ thể.

Thứ hai, để hỗ trợ cơ chế đó là khoán chi tài chính. Ví dụ, chừng đó công việc quản lý nhà nước thì tương ứng tính ra tiền là bao nhiêu? Nếu tăng biên chế thì anh không có tiền trả lương. Lúc đó buộc anh phải tự điều chỉnh, lựa chọn người tài.

Thứ ba là giám sát của cấp trên, định kỳ đánh giá những cam kết trước khi được đảm nhận chức vụ, qua giám sát anh không thay đổi được gì thì cách chức... Làm cho nghiêm thì lập tức bộ máy hoạt động xuyên suốt.

Việc sắp xếp lại các sở chắc chắn sẽ động chạm đến vấn đề con người. Khi hợp nhất, sáp nhập sở, số lượng cán bộ lãnh đạo cấp phó dôi dư không phải ít. Theo ông, nên thực hiện phương án nhân sự thế nào để vừa đảm bảo công bằng, vừa không gây ra xáo trộn?

Thực ra điều này do tâm lý và nhận thức của cán bộ. Cơ bản cán bộ của các cơ quan nhà nước, của các tổ chức chính trị, xã hội đều là đảng viên.

Khi vào Đảng, anh thề trước cờ Đảng sẵn sàng phục tùng Nghị quyết của Đảng, chấp hành mệnh lệnh cấp trên, chấp hành sự phân công của tổ chức. Nay tổ chức thay đổi, phân công lại thì anh phải chấp hành.

Quan trọng nhất là tư tưởng cần thông suốt, làm việc gì cũng được, ở vị trí nào cũng được, miễn là cống hiến cho tốt, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Còn đã là nhiệm vụ mà không chấp hành thì kỷ luật.

Theo tôi, việc sắp xếp nhân sự khi hợp nhất phải bằng quy chế cụ thể để bảo đảm sự công bằng - đó là thông qua cơ chế thi tuyển cạnh tranh. Nếu hợp nhất sở, dôi dư ra 10 giám đốc sở chẳng hạn, trong khi chỉ cần 1 thì tổ chức thi tuyển công khai, minh bạch để bổ nhiệm lại.

Cũng cần có hội đồng kiểm tra chéo để tránh gửi gắm, bảo đảm tính khách quan. Hay nói cách khác là chế độ thi kép, có sự giám sát ở trên và tất cả những ai tham gia chấm phải ký tên xác nhận để chịu trách nhiệm nếu nhân sự đó sai.