Theo dự thảo Nghị định cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, một số sở ngành ở 61 địa phương sẽ được hợp nhất, trong khi đó Hà Nội và TP HCM có thể "cơ bản giữ nguyên".
Ngày 27/5, tại cuộc làm việc của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ với TP Hà Nội về đổi mới cơ chế quản lý, tài chính và tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết Bộ này đã trình Chính phủ nghị định về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và huyện, trong đó Hà Nội và TP HCM cơ bản giữ nguyên số sở ngành.
Theo ông Thăng, trong quá trình tổ chức lấy ý kiến vào nghị định nêu trên, Hà Nội và TP HCM đã có nhiều ý kiến, nên tờ trình mới nhất được xây dựng theo tinh thần hai thành phố này không có biến động lớn về sắp xếp sở ngành như dự thảo ban đầu đề ra.
Với 61 tỉnh thành còn lại, nghị định đưa ra phương án "sở cứng" là những sở tỉnh, thành nào cũng có, và "sở mềm"- tuỳ theo đặc thù từng địa phương để tổ chức.
Trước đó, dự thảo Nghị định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh quy định việc một số cơ quan chuyên môn sẽ được hợp nhất, đơn cử Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch - Tài chính.
Tại Hà Nội và TP HCM, Sở Xây dựng được đề xuất sáp nhập với Sở Giao thông Vận tải và Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị.
Bộ máy còn chồng chéo, lãng phí
Báo cáo với đoàn công tác, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, giai đoạn 2011- 2016 thành phố được giao tăng thêm trên 29.000 biên chế so với năm 2011, trong đó phần lớn là tăng biên chế của các lĩnh vực y tế và giáo dục (trên 28.000 biên chế). Đối với các ngành khác, Hà Nội thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh giản biên chế.
Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết thêm, qua sắp xếp Hà Nội đã giảm 231 cấp trưởng, 116 cấp phó trưởng phòng và sắp tới sẽ tiếp tục giảm các cấp phó.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nêu ra một số bất cập trong quản lý, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp như, quy định các xã, phường phải xây dựng trạm y tế nhưng bên cạnh đó là bệnh viện tuyến trung ương, thành phố nằm trên địa bàn. "Vậy có cần phải hình thành trạm y tế nữa không?", ông nêu câu hỏi và đề nghị các Bộ ngành cần sớm có hướng dẫn cụ thể về cơ chế tự chủ để địa phương triển khai.
Bên cạnh đánh giá Hà Nội đã có những bước đi phù hợp, sắp xếp tại tổ chức bộ máy quyết liệt mà làm rất “êm”, bài bản, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhận xét, mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố vẫn còn hạn chế.
"Mục tiêu đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập là làm sao tăng chất lượng dịch vụ công để phục vụ người dân, doanh nghiệp, đồng thời với sắp xếp, tinh giản bộ máy, mạng lưới, giảm được số người hưởng lương tư ngân sách", ông nhấn mạnh.
Phó thủ tướng yêu cầu Hà Nội đánh giá kỹ thêm về xu hướng xã hội hóa giáo dục ở các cấp mầm non, phổ thông hay việc sắp xếp lại mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng ngành, lĩnh vực hay theo địa bàn để giảm đầu mối, giảm định biên và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Ông Huệ cũng lưu ý, trong chủ trương đầu tư, quản lý không được phân biệt các đơn vị sự nghiệp “công” hay “tư” mà phải đổi xử công bằng, cạnh tranh lành mạnh.
12 sở "cứng", gồm Sở Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch -Tài chính (sáp nhập Sở Kế hoạch Đầu tư và Sở Tài chính), Công Thương, Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị (sáp nhập Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng), Sở Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Y tế, Thanh tra tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân. 6 sở "mềm", gồm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc, Sở Du lịch. |
Theo VNE