(Baonghean.vn) - Cung ứng sữa chưa kịp thời, các trường học thiếu điều kiện bảo quản, vẫn còn sữa bị hỏng, bị chua và giá thành của sữa cao hơn giá thị trường…là những tồn tại được góp ý tại Hội nghị tổng kết Đề án “Thí điểm mở rộng chương trình sữa học đường năm học 2016 – 2017” được tổ chức vào sáng 7/7.

Kết thúc năm học 2016 – 2017 toàn tỉnh đã có 21/21 huyện, thành thị triển khai cho học sinh uống sữa theo Chương trình Sữa học đường với hơn 311.000 học sinh mầm non và tiểu học tham gia (đạt tỷ lệ 69%, tăng 19% so với năm học trước).

Tổng chi phí uống sũa và vận hành đề án gần 318 tỷ đồng, trong đó phụ huynh đóng góp gần 165 tỷ đồng, hỗ trợ của UBND tỉnh và  tập đoàn TH hơn 153 tỷ đồng.

1499398591169.jpgĐồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì và phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà

Đánh giá thể lực học sinh của 17 huyện cho thấy: Suy dinh dưỡng thể cân nặng/tuổi ở các trường mầm non và tiểu học giảm trung bình từ 2,78 -  2,85%; suy dinh dưỡng chiều cao giảm trung bình từ 2,39 -  2,75%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện đề án còn có những bất cập gây áp lực cho các nhà trường như: Cơ sở vật chất không đảm bảo để bố trí kho, kệ sữa đạt chuẩn, công tác giao nhận hàng chưa phù hợp, nhiều trường gặp khó khăn trong việc bố trí nhân lực để tham gia hoạt động của chương trình, công tác thu gom, xử lý vỏ sữa chưa đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ về ô nhiễm  môi trường.

Học sinh Trường Tiểu học Nậm Cắn (Kỳ Sơn) tham gia Chương trình Sữa học đường. Ảnh: Mỹ Hà.

Đặc biệt, ở nhiều nơi, chương trình chưa nhận được sự quan tâm của phụ huynh, học sinh và giáo viên do còn băn khoăn về giá sữa (giá sữa của đề án cao hơn giá thị trường), chất lượng sữa một số nơi còn chưa đảm bảo, cung ứng chậm, chưa phong phú về chủng loại, chưa thích hợp với độ tuổi mầm non. Một số nơi, do đời sống nhân dân còn thấp nên không có nhiều điều kiện tham gia.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Thông đánh giá cao sự nỗ lực và vào cuộc quyết liệt của các đơn vị sau hai năm triển khai đề án. Thời gian tới, để chương trình triển khai có hiệu quả, đồng chí yêu cầu các địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông về mục đích, ý nghĩa của chương trình và sớm xây dựng kế hoạch hàng năm.

Quá trình thực hiện, đồng chí giao Sở Y tế trên cơ sở các ý kiến tham luận hoàn thiện báo cáo, đề án đến hết năm 2020 để trình UBND tỉnh và Thường vụ Tỉnh ủy. Về phía các địa phương và ngành giáo dục cần vào cuộc quyết liệt, xem đây là nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa đối với sự phát triển của thế hệ trẻ.

Đồng chí Lê Minh Thông tặng giấy khen cho các tập thể xuất sắc. Ảnh: Mỹ Hà.

Riêng với Tập đoàn TH, đồng chí mong đơn vị sẽ cùng các ban ngành liên quan sớm phối hợp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tiếp tục đồng hành với tỉnh trong quá trình triển khai đề án. Nghệ An cũng hi vọng, sau tập đoàn TH sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp cùng đồng hành với chương trình để ngày càng có nhiều học sinh được hỗ trợ, đặc biệt là đối tượng cận nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Dịp này, UBND tỉnh tặng bằng khen cho 13 đơn vị đã có nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai đề án.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN