Đây là năm học với nhiều thuận lợi và cũng nhiều khó khăn, thách thức để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu mà Đại hội Đảng các cấp đã đề ra và chuẩn bị các điều kiện thiết yếu để đón đầu việc đổi mới, thay sách giáo khoa, thực hiện chương trình phổ thông tổng thể.
Háo hức ngày đến trường
Năm học mới này đến với Trường Tiểu học Thạch Ngàn 2 (Con Cuông) thật đặc biệt khi trường vừa được công nhận danh hiệu trường chuẩn Quốc gia. Mặc dù đây là ngôi trường tiểu học cuối cùng của huyện Con Cuông đón nhận danh hiệu này nhưng thành quả có được ghi nhận sự cố gắng vượt bậc khi trường nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và gần 100% học sinh là con em đồng bào các dân tộc, chủ yếu thuộc diện hộ nghèo.
Giáo viên, học sinh Trường Tiểu học Thạch Ngàn 2 (Con Cuông) luyện tập chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới.
Cùng với tin vui đón trường chuẩn, năm nay Trường Tiểu học Thạch Ngàn 2 đón thêm những học trò mới người Đan Lai vừa chuyển từ xã Môn Sơn về xã Thạch Ngàn. Dù chỉ 9 em nhưng huyện Con Cuông cùng với nhà trường cũng đã chuẩn bị một điểm trường mới, ngay tại khu tái định cư Thạch Sơn 2 với 5 bậc học từ lớp 1 đến lớp 5.
Để học sinh Đan Lai không bỡ ngỡ với môi trường mới, Trường Tiểu học Thạch Ngàn 2 cũng quyết định chuyển toàn bộ học sinh ở điểm trường Bá Hạ về học chung cùng điểm trường ở Thạch Sơn. Giáo viên đứng lớp được lựa chọn từ những người có kinh nghiệm, uy tín và nhiều năm gắn bó với học sinh vùng dân tộc thiểu số.
Trước ngày khai giảng năm học mới, việc dạy và học của học sinh Đan Lai cũng đã từng bước ổn định dù ở đây các em phải học ghép chung phòng.
“Khi được điều về điểm trường mới chúng tôi cũng rất lo lắng. Nhưng hiện tại thì tất cả đều yên tâm bởi thấy học sinh rất ngoan, thích đến trường và hào hứng với môi trường mới”.
Cô giáo Vi Thị Duyên - Trường Tiểu học Thạch Ngàn 2
Trước lễ khai giảng, dù điều kiện nhà trường còn rất khó khăn, nhưng ban giám hiệu vẫn quyết định mạnh dạn đầu tư gần 100 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị dạy học, bàn ghế cho học sinh vùng tái định cư. Bên cạnh đó, giáo viên nhà trường cũng đã quyên góp mua sách, vở, bút, giấy và đồ dùng học tập tặng cho học sinh trước khi bước vào năm học mới.
“Trường chúng tôi nằm ở vùng khó khăn nên nhiều năm nay nhà trường không thu xã hội hóa của phụ huynh. Thay vào đó, chúng tôi lại nhận được sự giúp đỡ của phụ huynh về tinh thần, về ngày công để cùng sửa sang, tu sửa nhà trường. Sự ủng hộ của phụ huynh, sự chăm lo của phụ huynh đến con trẻ cũng là động lực lớn nhất để tập thể nhà trường phấn đấu, vượt qua khó khăn và làm tốt công tác dạy và học”.
Thầy giáo Nguyễn Duy Linh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Ngàn 2
Lễ khai giảng năm học mới 2019 - 2020 diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi khi mưa lớn liên tục diễn ra ở nhiều địa phương. Nhưng không khí chuẩn bị cho ngày hội trường vẫn được các địa phương, các trường học đặc biệt quan tâm với mục đích tạo cho học sinh tâm thế vui tươi, hào hứng.
Nhiều trường học ở thành phố Vinh lùi ngày khai giảng vì trời mưa. Ảnh: Mỹ Hà
Tại thành phố Vinh, năm nay, nhiều trường học chủ trương lễ khai giảng không bóng bay và thay vào đó với nhiều hoạt động ý nghĩa khác như tổ chức đồng diễn múa quạt với sự tham gia của khoảng 600 học sinh của Trường THCS Cửa Nam với chủ đề “Vui hội - hát tiếp ước mơ”.
Tại Trường Tiểu học Hưng Dũng 2, năm nay lễ khai giảng cũng sẽ tập trung nhiều vào phần “hội” với nhiều nội dung như: Biển diễn múa hát tập thể ở sân trường, múa hát dân ca và phối hợp với chuyến xe lưu động của Thư viện Nghệ An để tổ chức ngày hội đọc sách. Do trời mưa nên nhiều trường học cũng đã chuẩn bị phương án cho lễ khai giảng như ở thị xã Cửa Lò sẽ tổ chức trong nhà đa chức năng.
Nếu trời mưa, lễ khai giảng sẽ được tiến hành gọn nhẹ theo từng lớp. Thay vì các hoạt động tập thể, cô sẽ dẫn trò vào lớp để trò chuyện với các em về năm học mới, dặn dò, khích lệ tinh thần học sinh trong năm học mới.
Ông Phan Văn Thiết - Phó phụ trách Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn
Dạy chữ song song với dạy người
Cô trò Trường Mầm non Xá Lượng (Tương Dương) chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới 2019 - 2020. Ảnh: Đình Tuân Năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục Nghệ An đã xác định 3 mục tiêu quan trọng, trong đó đáng chú ý là “cam kết chất lượng của từng cấp học, bậc học và cơ sở giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học”.
Đây cũng là một nhiệm vụ không dễ dàng khi nhìn trên toàn diện, ngành Giáo dục tỉnh nhà đang còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, dù đã bước vào năm học mới nhưng nhìn chung trên toàn tỉnh hàng nghìn học sinh vẫn đang phải học trong phòng học tạm bợ, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, thiếu thốn về trang thiết bị phục vụ dạy và học.
Thống kê đến thời điểm này, toàn tỉnh đang thiếu gần 3.000 giáo viên ở bậc mầm non và hơn 1.900 giáo viên ở bậc tiểu học.
Mặc dù chưa đến ngày khai giảng nhưng học sinh Trường PT DTBT THCS Thạch Ngàn (Con Cuông) đã ổn định việc học. Ảnh: Mỹ Hà
Đây cũng là thách thức không nhỏ của ngành trong việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học hay đảm bảo an toàn cho học sinh ở bậc mầm non. Về chất lượng giáo dục, dù chất lượng mũi nhọn đã được khẳng định, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều khoảng cách ở các vùng, miền, đặc biệt là chất lượng giáo dục ở những trường học thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Với những khó khăn này, trong năm học 2019 - 2020 ngành Giáo dục tỉnh nhà cũng đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức, dạy học, đánh giá; xây dựng chương trình, nội dung dạy học hiện đại, hội nhập, hướng đến mục tiêu công dân toàn cầu.
Nhiều món quà ý nghĩa của các cơ quan, ban, ngành và tổ chức thiện nguyện được trao tặng cho nhà trường và các em học sinh tại buổi lễ khai giảng năm học mới 2019 - 2020 tại Hữu Khuông. Ảnh: Thanh Quỳnh
Năm học này, Nghệ An sẽ bắt đầu triển khai mô hình thí điểm xây dựng trường trung học chất lượng cao, tăng cường tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới, khuyến khích hợp tác, liên kết chương trình giáo dục tiên tiến, phát triển công dân toàn cầu.
Đặc biệt, đây cũng là năm học ngành quyết tâm tạo chuyển biến trong thực hiện 2 nội dung là dạy học ngoại ngữ tăng cường theo chuẩn quốc tế và dạy học gắn với thực tiễn, trước mắt sẽ thực hiện thí điểm ở các trường học thuộc thành phố Vinh, các trường vùng trung tâm, thuận lợi và 14 trường trọng điểm.
Song song với việc dạy chữ, ngành cũng xác định rõ việc “dạy người” thông qua việc rèn luyện, giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, tổ chức nhiều các hoạt động về kỹ năng sống.
Nhiều hoạt động được tổ chức chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh tư liệu Đình Tuân
Từ năm học này, mô hình “Trường học hạnh phúc” cũng sẽ được triển khai thí điểm, trong đó lấy tiêu chí trường học không có hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường làm tiêu chí chính. Toàn ngành cũng phát động triển khai kế hoạch “Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” và ban hành quy tắc ứng xử trong các nhà trường.
Qua đó nhằm góp phần tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động về đạo đức, năng lực ứng xử sư phạm của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động, hướng tới sự chuẩn mực, không vi phạm các quy định, quy chế của ngành, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
“Năm học 2019 - 2020 là một năm hết sức quan trọng, đánh dấu kết quả sau 5 năm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu mà Đại hội Đảng các cấp đã đề ra. Chúng tôi tin tưởng ngành Giáo dục Nghệ An sẽ bước vào một năm học mới với nhiều quyết tâm để cố gắng đạt được nhiều thành tích cao trong dạy và học, xứng đáng với kỳ vọng của chính quyền và đông đảo phụ huynh”.
Giáo sư, tiến sỹ Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo