(Baonghean.vn) - Sự quan tâm của một số cấp uỷ, chính quyền địa phương… về dạy nghề cho người khuyết tật chưa cao; nhận thức của bản thân người khuyết tật và gia đình về đào tạo nghề còn hạn chế; một bộ phận cộng đồng xã hội vẫn còn thái độ kỳ thị, phân biệt về chất lượng lao động người khuyết tật…

Đồng chí Lê Minh Thông - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội thảo. Tham dự có đại diện lãnh đạo UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An, Sở LĐ-TB&XH, Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi các cấp, người khuyết tật tiêu biểu ở các địa phương trong tỉnh.

Đó là những vấn đề được đặt ra trong buổi hội thảo Nhân rộng mô hình hỗ trợ sinh kế “Chương trình 50 - 50 xoá đói, giảm nghèo” cho người khuyết tật và trẻ mồ côi, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020, tổ chức tại TP Vinh vào sáng 16/5.

images1902621_1.jpgPhó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phước Anh

Toàn tỉnh hiện có 222.180 người khuyết tật và trẻ mồ côi, trong đó trên 200.000 người chịu khuyết tật các loại như vận động, thị giác, ngôn ngữ, thính giác, thần kinh, trí tuệ và các dạng tật khác.

Thời gian qua, cùng với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm… đời sống vật chất và tinh thần của người khuyết tật và trẻ mồ côi từng bước được nâng lên. Công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật có nhiều khởi sắc đáng ghi nhận.

Từ năm 2012 - 2016, toàn tỉnh đã tuyển sinh và dạy nghề, tạo việc làm cho khoảng 5.545 người khuyết tật. Ở các cấp Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi, trong 6 năm thực hiện chương trình 50 – 50 xoá đói, giảm nghèo đã giúp đỡ cho gần 200.000 lượt người khuyết tật và trẻ mồ côi với tổng số tiền gần 75 tỷ đồng.

Người khuyết tật học nghề tại Trung tâm Giáo dục và dạy nghề người khuyết tật Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

Tại hội thảo, đại diện ngành LĐ-TB&XH, các cấp hội cũng như người khuyết tật tiêu biểu ở các địa phương đã thẳng thắn nêu lên nhiều hạn chế trong thực tiễn công tác hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, trẻ mồ côi. Nhiều ý kiến nhấn mạnh, sự quan tâm của một số cấp uỷ, chính quyền địa phương… về dạy nghề cho người khuyết tật chưa cao; nhận thức của bản thân người khuyết tật và gia đình về đào tạo nghề còn hạn chế; một bộ phận cộng đồng xã hội vẫn còn thái độ kỳ thị, phân biệt về chất lượng lao động người khuyết tật…

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông ghi nhận, đánh giá cao hoạt động của Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi cũng như tấm lòng hảo tâm của các nhà tài trợ, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Đồng chí đề nghị thời gian tới, cần tăng cường công tác tuyên truyền về quyền cho người khuyết tật, trẻ mồ côi; tích cực vận động nguồn lực xây dựng các chương trình, dự án; đổi mới phương pháp hoạt động, phối hợp chặt chẽ với MTTQ và các tổ chức thành viên, các hội, đoàn thể, trợ giúp hiệu quả hơn cho người khuyết tật và trẻ mồ côi vươn lên trong cuộc sống.

Các tổ chức, nhà hảo tâm... trao bảng biểu trưng số tiền đăng ký ủng hộ cho người khuyết tật, trẻ mồ côi trong năm 2017. Ảnh: Phước Anh

Cũng tại hội thảo, Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh đã tổ chức tiếp nhận tài trợ và đăng ký thực hiện chương trình năm 2017 với tổng số tiền 13 tỷ 920 triệu đồng.

Phước Anh

TIN LIÊN QUAN