Ngày 22/3, cụ Võ Đình Bản (92 tuổi, xã Diễn Thịnh, Diễn Châu), cho biết, cụ vừa nhận được 40 triệu đồng tiền hỗ trợ làm nhà theo Quyết định 22 của Chính phủ sau gần 10 năm chờ đợi. Cụ Bản là một trong những cựu chiến binh bị thiệt thòi do cán bộ huyện tắc trách mà Báo Nghệ An đã có bài phản ánh từ 2 năm trước. Để đòi quyền lợi, trong những năm qua, cụ Bản và con cháu đã gửi hàng loạt đơn khiếu nại tới nhiều cơ quan công quyền.
Theo đó, năm 2013, cũng như nhiều địa phương khác, xã Diễn Thịnh thành lập đoàn đi từng nhà để xét duyệt từng trường hợp nhằm hỗ trợ khó khăn về nhà ở cho người có công theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Chính phủ. Qua rà soát, có 154 hộ đủ điều kiện để được hỗ trợ. Những người này được xã đề nghị làm hồ sơ kèm theo đơn để trình lên cấp trên. Sau khi tổng hợp đầy đủ hồ sơ, đầu năm 2014, xã Diễn Thịnh đã nộp lên Phòng Công thương (nay là Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Diễn Châu).
“Lúc đó chúng tôi ai cũng phấn khởi vì được Nhà nước quan tâm”, ông Hoàng Văn Cúc, một trong những người có công với cách mạng bị thất lạc hồ sơ kể. Sau khi đã trình hồ sơ lên huyện, những người này được đề nghị cứ làm và sửa nhà trước, sẽ nhận được tiền hỗ trợ sau. Tin tưởng cán bộ, nhiều gia đình mặc dù không có tiền cũng chạy vạy, vay mượn khắp nơi để làm nhà.
Đến tháng 5/2014, UBND huyện Diễn Châu ban hành quyết định phê duyệt danh sách những hộ có công với cách mạng được hỗ trợ nhà ở. Lúc này, hàng trăm người có công với cách mạng ở huyện Diễn Châu mới tá hỏa vì không có tên mình. Trong số đó, xã Diễn Thịnh chỉ có 101 hộ có tên trong danh sách, 53 hộ còn lại không được hưởng chế độ.
“Không ai giải thích cho chúng tôi biết vì sao chúng tôi lại không được hưởng chế độ cả. Lúc này, nhiều hộ đã trót làm nhà rồi”, ông Hoàng Văn Cúc nói thêm. Tin tưởng “rồi đến lượt mình”, họ vẫn kiên trì chờ đợi. Nhưng năm này qua năm khác, họ vẫn không nhận được tiền hỗ trợ.
Mãi đến năm 2018, những người có công với cách mạng ở xã Diễn Thịnh bắt đầu hành trình đi khiếu nại của mình. Lúc đó, họ mới biết mình không có tên trong đề án hỗ trợ. Nhận được phản ánh từ người dân, huyện Diễn Châu bắt đầu vào cuộc xác minh. Sau đó, cán bộ huyện nhiều lần về làm việc tại xã Diễn Thịnh. Phía huyện thậm chí còn đổ lỗi cho cán bộ xã đã không gửi hồ sơ lên huyện.
Sau thời gian dài khiếu nại, cuối cùng đoàn kiểm tra của huyện Diễn Châu xác định, ông Phan Xuân Tuấn (Phó phòng Kinh tế hạ tầng), người trực tiếp tiếp nhận hồ sơ của các cựu chiến binh nhưng sau đó đã làm thất lạc. Lúc này, ông Tuấn mới thừa nhận, quá trình nhận hồ sơ của các gia đình chính sách qua nhiều khâu, số lượng hồ sơ nhiều, cán bộ tham gia thay đổi qua nhiều giai đoạn nên việc bảo quản, bàn giao không thống nhất, dẫn đến bị sót, bị thất lạc. Ông Tuấn sau đó đã bị kỷ luật, nhưng đến nay vẫn giữ chức vụ cũ, là Phó phòng Kinh tế hạ tầng.
Không chỉ ở Diễn Thịnh, tại huyện Diễn Châu còn có nhiều địa phương khác cũng để xảy ra tình trạng tương tự khi các cựu chiến binh bị thiệt thòi do cán bộ tắc trách. Cụ thể, tại xã Diễn Phú có 67 trường hợp không được phê duyệt trong đề án do xã nộp chậm hồ sơ. Hạn nộp hồ sơ trước ngày 25/4/2014 nhưng đến gần 1 tháng sau, xã Diễn Phú mới nộp cho Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện. Còn tại xã Minh Châu, còn 13 hộ gia đình không có trong đề án được duyệt dù đã nộp hồ sơ đầy đủ... Dù xác định lỗi thuộc về cán bộ phụ trách tiếp nhận hồ sơ, nhưng do chương trình làm nhà ở cho người có công với cách mạng đã kết thúc từ năm 2019 nên việc giải quyết cho các cựu binh bị thiệt thòi này lâm vào cảnh bế tắc suốt thời gian dài, do huyện không có kinh phí.
Ông Tăng Văn Luyện - Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết, ông vừa ký quyết định về việc giải quyết kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định 22, trong đó trích ngân sách của huyện hơn 2 tỷ đồng để hỗ trợ cho các cựu binh bị thiệt thòi này. “Trên địa bàn toàn huyện có hơn 100 trường hợp bị thiệt thòi do sai sót của cán bộ huyện và cán bộ xã. Năm nay chúng tôi cố gắng trích ngân sách huyện để hỗ trợ cho khoảng 2/3 trường hợp, số còn lại sẽ phải chờ tới năm sau mới có nguồn”, ông Luyện nói.