Ngày 10/3, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên tổ chức cuộc bầu cử Hội đồng Nhân dân Tối cao (Quốc hội) để bầu chọn các đại biểu với nhiệm kỳ 5 năm. Sự kiện chính trị này được cho là nhằm củng cố sự đoàn kết quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lựa chọn phát triển kinh tế là nhiệm vụ cấp bách của quốc gia này trong thời điểm hiện nay.

144525-1.jpgNhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã lựa chọn phát triển kinh tế là nhiệm vụ cấp bách của quốc gia này trong thời điểm hiện nay. Ảnh minh họa: BBC

Các điểm bỏ phiếu mở cửa từ 9 giờ sáng đến 6 giờ tối. Các ứng cử viên cho cuộc bầu cử lần này thuộc thành phần công nhân, nông dân, trí thức và quân nhân, là những người đã nỗ lực bảo vệ lý tưởng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đấu tranh cho sự phát triển của đất nước. Tỉ lệ cử tri đi bầu trong cuộc bầu cử năm 2014, cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền là 99,97%. Kết quả của cuộc bầu cử năm 2014 được công bố hai ngày sau cuộc bỏ phiếu.

Các nhà quan sát cho rằng, cuộc bầu cử Quốc hội lần này là một sự kiện chính trị quan trọng nhằm củng cố thêm sự gắn kết quốc gia. Tờ Rodong Sinmun - Cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên nhấn mạnh, cuộc bầu cử diễn ra vào thời điểm "rất có ý nghĩa". Theo Rodong Sinmun, cuộc bầu cử lần này thể hiện niềm tin kiên định và sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân đối với nhà lãnh đạo tối cao trong việc đối phó các thách thức mà đất nước đang phải đối mặt. Báo này cũng khẳng định, những thách thức mà Triều Tiên đang phải đối mặt hiện nay cũng đòi hỏi vai trò và chức năng của chính phủ nhằm thúc đẩy nền kinh tế nói chung và cải thiện điều kiện sống cho người dân.

Phát triển kinh tế-xã hội và cải thiện điều kiện sống cho người dân cũng là một trong những nhiệm vụ cấp bách mà Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đặt ra trong tuần này. Đây là thông điệp đầu tiên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un được đưa ra công khai sau khi ông trở về nước sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội.

Trong một lá thư gửi hội nghị toàn quốc các quan chức làm công tác tuyên truyền được tổ chức tại Bình Nhưỡng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung mọi nỗ lực vào việc xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Ông kêu gọi các quan chức trong đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền, nỗ lực giáo dục tư tưởng cho công dân, để đảm bảo "đạt tiến bộ lớn trong công cuộc xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa".

Với một vị trí địa lí chiến lược, Triều Tiên đã được nhiều nhà lãnh đạo thế giới đánh giá có tiềm năng kinh tế đặc biệt. Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định: “Tôi đã nói với Chủ tịch Kim Jong-un rằng ông đang có cơ hội biến Triều Tiên trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới. Với vị trí đặc biệt, nằm giữa Trung Quốc, Nga và một bên là Hàn Quốc, họ không thể kết nối với nhau nếu không qua Triều Tiên. Ngoài địa điểm tuyệt vời, người dân Triều Tiên chăm chỉ, thông minh, tràn đầy năng lượng, tôi nghĩ đây có thể trở thành một trong những nền kinh tế và tài chính lớn nhất trên thế giới”.

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai đã kết thúc ở thủ đô Hà Nội tháng trước mà không có tuyên bố chung, do những bất đồng liên quan tới mức độ Triều Tiên sẵn sàng giải trừ hạt nhân cũng như việc Mỹ sẵn sàng nới lỏng trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Hàng loạt các thông tin bất lợi đưa ra sau cuộc gặp như việc Triều Tiên chuẩn bị phóng tên lửa hay khôi phục lại cơ sở hạt nhân. Tuy nhiên, việc Mỹ và Triều Tiên vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục đối thoại, khiến dư luận vẫn có thể lạc quan về triển vọng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, cũng như cơ hội để Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thực hiện cam kết của mình phát triển kinh tế trong kế hoạch 5 năm 2016-2020./.