Lần đầu tiên họp ở trụ sở Liên Hợp quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump chê tổ chức này quan liêu và quản lý kém, kêu gọi “cải cách thực sự can đảm” để gìn giữ hòa bình thế giới.

images2007089__ng_trump_ch__li_n_hi_p_qu_c__k_u_g_i_c_i_c_ch____nh_1_59c07014012d3.jpgTổng thống Mỹ Donald Trump ngồi cạnh bà Nikki Haley - Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc trong cuộc họp ngày 18/9. Ảnh: Reuters

"Trong những năm gần đây, Liên Hợp quốc đã không thể khai thác hết tiềm năng vì quan liêu và yếu kém trong khâu quản lý, trong khi ngân sách hằng năm của Liên Hợp quốc đã tăng 140% và nhân viên ở đây đã tăng gấp đôi kể từ năm 2000", hãng tin Reuters ngày 18/9 dẫn lời ông Trump nói tại trụ sở Liên Hiệp Quốc.

Hôm nay 19/9, ông Trump sẽ có buổi phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc, nhưng hôm 18/9 đã tổ chức một sự kiện ngắn để kêu gọi sự ủng hộ để thay đổi cơ quan này.

Liên Hợp quốc là tổ chức quốc tế có mục tiêu duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới, phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc, thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Trong thời gian qua, thách thức lớn cho Liên Hợp quốc là vấn đề hạt nhân Triều Tiên – nước có mối quan hệ xấu với Mỹ.

Ông Trump trong khi đó không dưới một lần khẳng định Liên Hợp quốc phải có sự thay đổi. Hồi tháng 1 qua, trong thời điểm nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông đã khẳng định nếu có sự cải cách, Liên Hiệp Quốc sẽ mạnh mẽ, hiệu quả hơn.

Ngoài ra trong lúc tranh cử năm 2016, ông cũng từng đặt dấu hỏi về việc Mỹ phải đóng góp tài chính quá nhiều trong Liên Hợp quốc. Hiện nay, Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất với 22% trong số 5,4 tỉ USD trong ngân sách mỗi hai năm của họ, và 28,5% trong ngân sách 7,3 tỉ USD chi cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình, theo Reuters.

Tại sự kiện ngày 18/9, ông Trump nhắc lại điều này: "Chúng ta phải đảm bảo không ai, không quốc gia thành viên nào phải gánh trên vai một sự chia sẻ không cân xứng về quân sự hay tài chính".

Có 128 nước đã được mời tới dự cuộc họp cải cách hôm 18/9 sau khi ký vào một bản tuyên bố 10 điểm do Mỹ soạn thảo, trong đó ủng hộ các nỗ lực của Tổng Thư ký Antonio Guterres để "khởi động cải cách hiệu quả, ý nghĩa". Nga và Trung Quốc, hai trong số những nước thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, đã không ký vào tuyên bố của Mỹ.

Ông Guterres trong khi đó cũng đồng ý với ông Trump rằng sự quan liêu của Liên Hợp quốc đã khiến ông phải suy nghĩ nhiều. "Mục tiêu chung của chúng ta là một Liên Hợp quốc ở thế kỷ 21 là tập trung nhiều hơn về con người chứ không phải tiến trình. Cần song hành giữa giá trị đồng tiền và thúc đẩy các giá trị chung - đó là mục tiêu của chúng ta"./.

Theo Tuổi trẻ

TIN LIÊN QUAN