Hôm nay là hạn cuối cùng Bộ Công Thương phải báo cáo Thủ tướng về việc tăng giá điện bán lẻ. Qua theo dõi kết quả làm việc sơ bộ những ngày vừa qua của các đoàn công tác, nhiều người cho rằng vẫn chưa thực sự thuyết phục. Bởi đa phần các phản hồi đều chung một lý do tiền điện tăng là do trong tháng các hộ gia tăng sản lượng tiêu dùng, còn việc tăng giá bán điện chỉ chiếm một mức thấp, các đơn vị đều công khai giá bán điện…

073001-1.jpgCách tính giá điện theo 6 bậc như hiện nay đang có nhiều bất cập

Mấu chốt vấn đề không phải ở những dẫn chứng mà phía đoàn kiểm tra và EVN đã đưa ra. Người tiêu dùng đang mong chờ một câu trả lời khác!

Nói như bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thì cần làm rõ cơ sở tăng giá điện; trong cơ cấu giá điện cái nào hợp lý cái nào không hợp lý; phương pháp tính giá điện bậc thang trong biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt có phù hợp với giai đoạn hiện nay nữa hay không; có phải trên thế giới càng dùng nhiều điện giá càng tăng hay không?...

Nhìn lại biểu giá điện đang được EVN áp dụng hiện nay, được ban hành từ năm 2014, thời điểm đó đã có rất nhiều tranh cãi, thì nay lại càng bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể, giới hạn lượng tiêu thụ của bậc 1 và bậc 2 rất thấp; Giới hạn lượng tiêu thụ bậc 3 – 6 rất cao. Quan trọng hơn cả là mức giá của mỗi bậc lại chênh lệch rất lớn, “đánh” vào túi người tiêu dùng bằng cách “dùng càng nhiều thì càng phải trả giá cao”. Với một biểu giá điện như hiện nay thì chỉ có lợi cho điện lực, còn người tiêu dùng thì “ấm ức” trả tiền.

Giải pháp là gì? Có rất nhiều chuyên gia đã đưa ra ý kiến để đảm bảo việc kinh doanh của EVN hài hòa lợi ích giữa Doanh nghiệp và người tiêu dùng, tuy nhiên, việc Bộ Công Thương và doanh nghiệp này có tiếp thu hay không lại là chuyện khác. 

Sở dĩ, người tiêu dùng bức xúc không phải chỉ vì cách tính giá điện không hợp lý mà còn bởi mô hình kinh doanh không minh bạch, lập lờ giữa trách nhiệm xã hội với hiệu quả kinh doanh của EVN. Nên yêu cầu đầu tiên hiện nay là EVN cần minh bạch bài toán kinh doanh lỗ - lãi, Chính phủ cần tách riêng khoản kinh phí bù cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo… bằng cách trả trực tiếp cho các hộ dân đó chứ không để EVN “nhập nhèm” như hiện nay.

Cùng với đó, nếu còn áp dụng cách tính giá bán điện theo bậc thang như hiện nay thì phải tính toán lại để tránh bậc hỗ trợ thì thấp quá và các bậc sau cao quá, khoảng cách giữa các bậc cũng cần phải xem xét kỹ.