Chiều 13/10, Hội đồng lý luận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo trực tuyến với 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước về phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt an toàn với đại dịch Covid – 19, tăng cường kết nối giữa các địa phương.

Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo hội thảo. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì; Tham dự có lãnh đạo các bộ ngành trung ương, các tổ chức quốc tế.

Đồng chí Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì tại điểm cầu Nghệ An.

Phục hồi phát triển kinh tế, thích ứng an toàn với đại dịch

bna_diem_cau_nghe_an1395382_13102021.jpgToàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Quang An

Mở đầu hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề, kéo dài, tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế. Do dịch bệnh, kinh tế tăng trưởng chậm lại, thấp nhất trong nhiều năm, sản xuất lưu thông chuỗi cung ứng, tiêu dùng bị gián đoạn, chi phí tăng cao; năng lực nội tại, sức chống chịu của nền kinh tế giảm sút; doanh nghiệp, người dân khó khăn.  Do đó, việc xây dựng chương trình phục hồi phát triển kinh tế, thích ứng linh hoạt an toàn với đại dịch Covid – 19, tăng cường kết nối giữa các địa phương là hết sức cần thiết hiện nay.

Khẳng định Hội thảo là dịp để các địa phương chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch, phát triển kinh tế nhưng Giám đốc Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh cũng lưu ý mở cửa đến đâu phải chắc đến đó, không gây áp lực cho hệ thống y tế. Việc khai thông các điểm trung chuyển, tránh sự chia cắt giữa các địa phương là rất quan trọng, cần có giải pháp tránh đứt gãy lực lượng lao động, bảo đảm điều kiện sống, an toàn cho lao động trong điều kiện dịch bệnh.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khai mạc hội thảo. Ảnh: Quang An

Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ KH&ĐT trình bày báo cáo phục hồi kinh tế, thích ứng với đại dịch 2021-2023.

Với quan điểm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 là 6,5-7%, Bộ trưởng đề nghị cần nhanh chóng khắc phục khó khăn của nền kinh tế, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, xuất khẩu, tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn lực, trong đó có đầu tư công, phát triển các đô thị lớn, vùng kinh tế trọng điểm, ngành, lĩnh vực động lực tăng trưởng bao gồm cả các động lực tăng trưởng mới…

Bộ trưởng đưa ra khung giải pháp chủ yếu gồm 6 chương trình thành phần và 2 nhóm giải pháp quản trị rủi ro, thông tin, tuyên truyền. 6 chương trình thành phần gồm: Chương trình tổng thể về phòng chống Covid -19 và thúc đẩy mở cửa nền kinh tế; Chương trình phục hồi du lịch, kích cầu tiêu dùng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu bền vững; Chương trình phục hồi doanh nghiệp; Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực cho đầu tư; Chương trình hỗ trợ an sinh xã hội và phát triển thị trường lao động; Chương trình cải cách thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
Các chuyên gia đưa ra các giải pháp phục hồi nền kinh tế sau đại dịch. Ảnh: Quang An

Dự kiến nguồn lực thực hiện: từ ngân sách nhà nước, quỹ dự trữ ngoại hối, nguồn vốn của doanh nghiệp, PPP, nguồn huy động khác… Về Ngân sách nhà nước, tăng cường tiết kiệm chi, có cơ chế điều chỉnh linh hoạt giữa các nhiệm vụ, khoản mục chi, phát hành công trái Quốc gia, trái phiếu Chính phủ, các nguồn lực do NHNN quản lý.

Quan tâm doanh nghiệp trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia tập trung thảo luận đánh giá các chính sách và kinh nghiệm hỗ trợ phục hồi nền kinh tế của các quốc gia, đề xuất các khuyến nghị, các yêu cầu đối với Việt Nam để thích nghi với các trật tự, cấu trúc mới của kinh tế thế giới, khả năng tham gia của Việt Nam vào các trật tự, cấu trúc này.

Các doanh nghiệp ở KCN Bắc Vinh triển khai test nhanh Covid-19 cho công nhân đảm bảo sản xuất. Ảnh: Thu Huyền

Các ý kiến cũng đánh giá các cơ hội, thách thức với Việt Nam trong quá trình phục hồi kinh tế. Khuyến nghị về nguyên tắc, yêu cầu, thời gian phạm vi quy mô, đối tượng và hình thức hỗ trợ, đánh giá mối quan hệ của chương trình phục hồi với các chương trình, kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế xã hội; làm rõ những việc cần thực hiện để giải quyết các vấn đề xã hội…

Phát biểu tại hội thảo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt vấn đề tại sao lại thích ứng an toàn, linh hoạt, thích ứng nhưng lại kiểm soát được dịch bệnh. Chúng ta đang tổn thương nên phải phục hồi, nhưng để phục hồi thì phải kiểm soát được dịch bệnh. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận hội thảo. Ảnh: Quang An
Để kiểm soát được dịch bệnh trong điều kiện không đủ vắc xin, Thủ tướng Chính phủ nêu ra các giải pháp, đó là phải tiếp tục thực hiện 5K, công nghệ, vắc xin và nâng cao ý thức, vai trò của người dân trong phòng chống dịch. Phải tăng cường quản lý rủi ro, kiểm soát tử vong, tăng cường y tế cơ sở, tạo điều kiện để người dân tiếp cận nhanh nhất, sớm nhất với y tế cơ sở...
Người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn cho rằng các doanh nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức và cần có giải pháp tháo gỡ để phục hồi sản xuất. Để khôi phục kinh tế thì chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa cần nghiên cứu thay đổi phù hợp, hiệu quả.
"Khôi phục nền kinh tế cần tập trung xây dựng khôi phục thị trường lao động; giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, mở rộng thị trường, thúc đẩy EVFTA... Chính phủ và địa phương cần ngồi lại cùng với doanh nghiệp tìm giải pháp trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"- Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Một vấn đề cần đặc biệt quan tâm đó là thực hiện tốt an sinh xã hội có trọng tâm trọng điểm trên nguyên tắc “không ai thiếu ăn thiếu mặc, không để sót đối tượng được thụ hưởng chính sách. Cùng với đó phải kiểm soát tốt an ninh, an toàn, an dân để ổn định chính trị. Phát huy đại đoàn kết dân tộc để biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội. Đó là cơ hội để cải cách hành chính, chuyển đổi số, xanh hóa nền kinh tế, chống biến đổi khí hậu...