(Baonghean.vn) - Trong 2 ngày 4-5/6, tại Hải Phòng, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế tổ chức Hội thảo báo chí về công tác truyền thông trong phòng, chống dịch, bệnh, với sự tham gia của gần 20 cơ quan thông tấn, báo chí và đại diện Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe 28 tỉnh, thành phố phía Bắc. PGS- TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế chủ trì Hội thảo.
 
Cục Y tế dự phòng cho biết: Hiện nay, cơ bản dịch sởi đã được khống chế, các trường hợp mắc và tử vong đã giảm rõ rệt. Các bệnh truyền nhiễm khác đều có số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2013 và không ghi nhận ổ dịch lớn. Tuy nhiên, dịch bệnh hiện vẫn diễn biến phức tạp, khó lường do thời tiết nắng nóng thất thường là điều kiện  thuận lợi cho các bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết phát triển. Một yếu tố nữa là việc giao lưu đi lại của người dân giữa các vùng trong cả nước và với các nước trong khu vực, trên thế giới cùng với vấn đề vệ sinh môi trường chưa đảm bảo sẽ gây nguy cơ dịch bùng phát là rất lớn, đặc biệt là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính khu vực Trung Đông (MERS-CoV) và bệnh bại liệt hoang dại.
images989242_toan_canh_hoi_thao.jpgToàn cảnh hội nghị
 
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận 9.746 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 42 tỉnh, thành phố. Trong đó có 7 trường hợp tử vong: tại Thành phố Hồ Chí Minh (3 trường hợp), Bình Dương (1 trường hợp), Cà Mau (1 trường hợp), Bình Phước (1) và Phú Yên (1). So với cùng kỳ năm 2013, số ca mắc giảm 40,8%; tử vong giảm 4 trường hợp.
 
Trong năm 2014, bệnh sởi đã ghi nhận tại 133/192 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các nước có số mắc cao là: Trung Quốc và Philippines. Các chủng vi rút sởi chính lưu hành tại khu vực Tây Thái Bình Dương là: H1, B3 và D8. Hiện nay, chưa có sự thay đổi về kiểu gen của vi rút sởi tại Việt Nam và trên thế giới.
 
 Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 5.031 trường hợp mắc bệnh sởi xác định trong số 26.431 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 63 tỉnh, thành phố. Hầu hết các trường hợp mắc sởi là trẻ em dưới 10 tuổi chiếm 76,5%, trong đó 11% là trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi. 87% số trường hợp mắc sởi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng. Hiện nay, số trường hợp mắc sởi xác định tại các địa phương đã được khống chế và đang giảm dần trong những tuần gần đây.
 
Bệnh tay chân miệng bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2005. Tích luỹ từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận 24.730 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 62 địa phương; trong đó có 2 trường hợp tử vong tại tỉnh Long Anh và Bà Rịa – Vũng Tàu. So với cùng kỳ năm 2013, số trường hợp mắc bệnh trong cả nước giảm 13,9%; tử vong giảm 7 trường hợp. Hiện nay, bệnh tay chân miệng vẫn tập trung tại một số tỉnh ở khu vực miền Nam, chiếm 78,5% các trường hợp mắc trong cả nước.
 
Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết: Đến thời điểm này, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính tại khu vực Trung Đông (MERS-CoV), cúm A(H7N9) và cúm A(H5N6). Riêng đối với cúm A(H5N1), từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 2 trường hợp tử vong tại Bình Phước và Đồng Tháp. Các trường hợp này đều có tiền sử tiếp xúc, giết mổ gia cầm bị bệnh. 
 
Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo: Đối với bệnh Sởi, tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất; chăm sóc và đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ mắc bệnh để hạn chế biến chứng. Đối với bệnh sốt xuất huyết, người dân phải đậ kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng,  diệt loăng quăng, bọ gậy ngay tại hộ gia đình bằng cách thả cá vào các dụng cụ chứa  nước; diệt muỗi truyền bệnh thông qua việc phun hóa chất diện rộng, đặc biệt là tại các hộ gia đình ở các vùng có nguy cơ cao, cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị, không tự ý điều trị tại nhà. Riêng với bệnh tay chân miệng, mọi người cần phải thường xuyên rửa tay với xà phòng; vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm...
 
Để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh mùa hè, trong thời gian tới, ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch không để lan ra diện rộng; triển khai các hoạt động phòng bệnh chủ động tại những nơi có nguy cơ cao. Đồng thời, tổ chức phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, chống nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng lây nhiễm chéo trong bệnh viện; tăng cường, đa dạng hoá hình thức truyền thông về các biện pháp phòng chống dịch bệnh để người dân biết, hưởng ứng và tham gia tích cực cùng ngành Y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh...
 
Tại hội thảo, các đại biểu được cập nhật thông tin và cách phòng chống các bệnh như: sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng, cúm A, thủy đậu, bệnh dại, bệnh viêm não, viêm đường hô hấp cấp tính..., các chuyên gia cung cấp về tình hình triển khai tiêm chủng mở rộng và các loại vắc xin phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Lãnh đạo cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế đã giải đáp các câu hỏi của phóng viên về tình hình dịch bệnh cũng như công tác phòng chống dịch bệnh của ngành Y tế trong thời gian tới, đồng thời đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí trong thời gian tới cần giúp đỡ, phối hợp với ngành Y tế nhiều hơn nữa trong công tác tuyên truyền phòng chống các loại dịch bệnh nói riêng và công tác chăm sóc bảo vệ sức khoẻ nhân dân nói chung.
 
Từ Thành