(Baonghean) - Hội Sơn là xã thuộc vùng giáp ranh thị trấn Anh Sơn, có chiến lược phát triển nông thôn mới gắn vành đai công nghiệp đô thị. Những năm qua, để tạo cú hích trong phát triển, xã chọn mũi đột phá bằng xây dựng các mô hình kinh tế mới nhằm tạo dòng các sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng hướng đến thị trường.
Hiện mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới theo chuỗi liên kết an toàn thực phẩm của hộ ông Trương Văn Hòa thuộc xóm 2, xã Hội Sơn (Anh Sơn) đã hoàn thiện các hạng mục đầu tư. Trong các khung lưới phủ kín màu xanh đầy sức sống của cây dưa lưới. Mô hình được đầu tư kinh phí trên 1,4 tỷ đồng, có hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Isarel, bể ủ nguyên liệu. Đặc biệt cây giống dưa lưới được nhập về từ Nhật Bản, nguồn giống thế hệ đời F1 đảm bảo tính ưu việt, khả năng sinh trưởng tốt với giá nhập khẩu 2.500 đồng/hạt.
Ông Trương Văn Hòa (chủ cơ sở), cho biết: Vụ hè thu năm nay, tôi chính thức đưa cây dưa lưới vào trồng, tiếp các vụ sau sẽ là rau màu thích ứng với khí hậu. Với công nghệ mới được đầu tư, cây trồng được chăm sóc kỹ lưỡng, nghiêm ngặt, không sử dụng các danh mục thuốc bảo vệ thực vật. Để chủ động đầu ra cho sản phẩm, tôi đã ký kết một số hợp đồng cung ứng dưa lưới như Công ty rau sạch Vĩnh Cường (Đồng Nai), một số nhà cung cấp rau sạch Hải Phòng, Đà Nẵng và hệ thống các siêu thị Big C trên toàn quốc với giá ổn định 45.000 đồng/kg. Mô hình bước đầu tạo việc làm cho 5 lao động thời vụ trên địa bàn...
Về mô hình nuôi bồ câu Pháp của hộ chị Nguyễn Thị Long ở xóm 5, xã Hội Sơn có quy mô 500 con, được nuôi thành 2 khu vực dành cho bồ câu thịt và bồ câu nuôi bán giống. Nguồn giống được chị du nhập về từ trang trại bồ câu Sáng Tạo (Bắc Giang). Đây là đối tượng nuôi mới mẻ, rất được người tiêu dùng quan tâm. Hơn 2 năm gắn bó với mô hình, kinh nghiệm của chị Nguyễn Thị Long là sự đầu tư được chăm chút từ thức ăn đến các khâu phòng trừ dịch bệnh, vệ sinh máng ăn, nước uống theo ngày.
Đặc biệt, sử dụng nhiều thức ăn phối trộn từ các phụ phẩm ngô, lúa sẽ khiến thịt chim thơm ngon, phù hợp với xu hướng lựa chọn của người tiêu dùng. Hiện sản phẩm chim bồ câu của chị Long được nhập bán tại các đơn vị cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học trên địa bàn huyện. Theo tính toán, mỗi tháng chị xuất bán trên 50 cặp bồ câu thịt và bồ câu giống với giá 120.000 - 450.000 đồng/cặp. Mô hình này cho tổng thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Mặc dù nằm trong vùng thuộc vành đai nông nghiệp ven thị trấn Anh Sơn, có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế, tuy nhiên thực tế người dân sản xuất trên địa bàn xã Hội Sơn vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, phân tán, chưa tạo được nhiều sản phẩm an toàn chất lượng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, các mặt hàng nông sản chưa đủ lớn và thiếu ổn định.
Trước thực trạng này, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Hội Sơn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 chỉ rõ: “Đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế sản xuất nông nghiệp, nông thôn... Nhân rộng các mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả trên các lĩnh lực cây trồng và vật nuôi nhằm tạo nhiều sản phẩm nông nghiệp ngày càng đa dạng, có sức cạnh tranh cao”.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch UBND xã Hội Sơn, cho biết: Trên tinh thần Nghị quyết chuyên đề số 01- NQ/ĐU của Đảng ủy, UBND xã ban hành Kế hoạch số 02/KH-UBND về thực hiện xây dựng nông thôn mới năm 2016 gắn việc đầu tư xây dựng mô hình cho thu nhập cao. Tổ chức cho cán bộ và một số hộ dân đi thăm quan, học tập mô hình sản xuất có giá trị thu nhập cao ở các huyện Tân kỳ, Nghĩa Đàn. Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại giá trị thu nhập cao trong sản xuất, cải tạo vườn tạp trong các hộ gia đình để đầu tư sản xuất có hiệu quả. Hỗ trợ tối đa mặt bằng, chuyển đổi đất cho các hộ gia đình hoặc nhóm hộ đầu tư phát triển các mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới…
Nhờ những giải pháp mang tính định hướng và chỉ đạo kịp thời của Đảng ủy và chính quyền xã Hội Sơn, chỉ sau thời gian gần 3 năm, toàn xã đã hình thành trên 20 trang trại, gia trại chuyên sản xuất cây, con có giá trị kinh tế cao, ổn định.
Điển hình như mô hình 10 ha sản xuất ngô 4 vụ trên đất bãi vệ xóm 2, bán ngô cây làm thức ăn cho bò sữa, cho thu nhập 62 triệu đồng/ha, tăng 15 triệu đồng/ha so với sản xuất ngô lấy hạt (45 triệu đồng/ha). Rồi mô hình trồng 10 ha ngô tăng vụ trên đất 2 lúa tại xóm Đồng Trương cho thu nhập khá ổn định; mô hình trồng cam sạch bệnh 4 ha tại thôn 10; mô hình trồng 150 cây thanh long ruột đỏ tại xóm 5, mô hình chăn nuôi tổng hợp tại xóm 4... với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm/mô hình; góp phần tạo sức lan tỏa trong nhân dân, tăng hệ số sử dụng đất lên 5,6 lần. Bên cạnh đó, sản phẩm từ các mô hình đang dần hình thành dòng sản phẩm chất lượng có giá trị trên thị trường.
Theo lộ trình kế hoạch, thì cuối năm 2016 này xã Hội Sơn hoàn thiện 19 tiêu chí để về đích nông thôn mới. Đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết thêm, việc về đích nông thôn mới quan trọng nhất vẫn là làm thế nào nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân. Thời gian tới, xã tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác vận động, tuyên truyền; ứng dụng KHCN mới vào sản xuất; tập trung huy động sự đóng góp từ nhân dân kết hợp với nguồn ngân sách hỗ trợ hợp pháp khác để tạo bứt phá về cơ cấu giống cây, con tạo dòng sản phẩm hướng mạnh ra thị trường. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động về đích nông thôn mới đúng lộ trình...
Bài, ảnh: P.V