Theo người dân ở các xã Na Ngoi, Mường Típ, Nậm Càn (Kỳ Sơn)... thì ngày xưa cây pơ mu nhiều lắm, mọc thành rừng, nhưng bây giờ thì đi cả ngày rừng cũng chẳng gặp được cây to. Gỗ pơ mu bị khai thác vô tổ chức đã làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng Pu xai lai leng và làm cạn kiệt rừng phòng hộ đầu nguồn.

 Hồi sinh rừng pơmu ảnh 1

 Hãy cứu cây pơmu

Trước thực trạng đó, Đoàn Kinh tế- Quốc phòng 4 đã tổ chức nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng của các xã trong vùng dự án, lập kế hoạch trồng cây pơ mu. Để dự án trồng cây pơ mu có tính khả thi, Đoàn đã tổ chức trồng thử nghiệm tại khu vực sở chỉ huy và ở các đội sản xuất. Nguồn giống cây pơ mu được mua từ xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn. Với hơn 1. 000 cây giống, Đoàn đã trồng được khoảng 5 ha. Sau 1 năm trồng, chăm sóc theo đúng hướng dẫn kỹ thuật, hiện nay cây pơ mu phát triển tốt. Đến đầu năm 2006 bước vào thực hiện dự án trồng rừng phòng hộ đầu nguồn Khe Cà, dưới chân núi Puãtai lai leng, ngoài trồng các loại cây như xoan, keo lá tràm, bạch đàn, cán bộ kỹ thuật của Đoàn đã hướng dẫn cho nhân dân bản Tổng Khư, xã Na Ngoi trồng 5 ha xen kẽ với các loại cây trồng khác. Trò chuyện với Đại tá Vi Văn Dĩnh chúng tôi được biết: Để thực hiện thành công dự án trồng cây pơ mu, cán bộ chiến sĩ của Đoàn phải trực tiếp đến từng hộ dân giải thích nếu không trồng loại cây này thì rừng sẽ cạn kiệt giống pơ mu, con cháu đồng bào sẽ không còn gỗ để làm vách khi dựng nhà, đóng giường mới khi cưới vợ cho con. Cùng với trồng pơ mu, Đoàn còn hướng dẫn bà con trồng các loại cây lấy gỗ ngắn ngày khác để rừng trồng nhanh cho sản phẩm. Trồng pơ mu nhanh nhất cũng phải từ 20- 30 năm mới có thu hoạch. Phương pháp trồng xen cây pơ mu với các loại cây lấy gỗ ngắn ngày khác là phương pháp hiệu quả nhất. Đây là cách làm lấy ngắn nuôi dài, lấy cây gỗ tạp để nuôi cây gỗ quý. Sau khi đã trồng thành công 10 ha cây pơ mu ở khu vực đơn vị và tại bản Tổng Khư, Đoàn đã lập kế hoạch đi khảo sát để mở rộng khu vực trồng loại cây này. Qua tìm hiểu thực tế các khu vực trong vùng dự án Đoàn đã quyết định mở rộng khu vực trồng cây pơ mu tại xã Na Ngoi, Mường Típ vì vùng này có độ cao trên 1.200 m so với mực nước biển, khí hậu lạnh nên rất phù hợp với họ cây xứ lạnh như pơ mu. Dự kiến từ năm 2007- 2008 Đoàn sẽ đưa vào trồng mới 100 ha cây pơ mu ở các bản thuộc các xã Na Ngoi, Mường Típ. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Sở dĩ Đoàn không mở nhanh, trồng nhiều cây pơ mu như trồng các loại cây lấy gỗ khác vì giống cây pơ mu rất đắt, 4.000 đ/ cây. Đoàn phải mua hoàn toàn để cung cấp cho bà con chứ chưa ươm được cây giống. Mặt khác, cây pơ mu khi mới trồng cũng khó chiều, nếu không được hướng dẫn, chăm sóc chu đáo sẽ dẫn đến thất bại.

Hướng hồi sinh cho rừng pơ mu ở Pu xai lai leng đã mở, điều cốt yếu hiện nay là cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 phải kết hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp ở địa phương tuyên truyền cho nhân dân các xã trong vùng dự án hiểu rõ ý nghĩa của việc hồi sinh cây pơ mu, trả lại màu xanh pơ mu cho đỉnh Pu xai lai leng, nóc nhà miền Trung, cho rừng phòng hộ đầu nguồn Khe Cà chảy ra sông Cả.

Ông Quốc Chính