(Baonghean.vn)-Năm 2015, khi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành lập, thị trường lao động Việt Nam rộng mở hơn, nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng lớn sẽ mở ra cơ hội việc làm cho các lao động có tay nghề. Tuy vậy, đây cũng là thách thức không nhỏ khi một lượng lớn lao động từ các nước AEC vào Việt Nam, tạo nên cuộc cạnh tranh với lao động trong nước. Điều đó đòi hỏi các trường nghề phải chủ động liên kết, nâng cao.
Chủ động liên kết
Là một trong 40 trường trọng điểm quốc gia, Trường Cao đẳng nghề Du lịch - Thương mại Nghệ An hiện đào tạo các nghề: Du lịch, khách sạn, chế biến món ăn... được AEC ưu tiên dịch chuyển lao động. Thầy Đậu Chính Nghĩa - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường xác định, để sinh viên có thể hội nhập, ngoài nghiệp vụ chuyên môn thì phải hình thành kỹ năng ngoại ngữ và khả năng làm việc trong môi trường đa văn hóa. Vậy nên, khi có thông tin về việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN, nhà trường đã chuẩn hóa các chương trình đào tạo phù hợp với xu thế quốc tế; hoàn thiện hệ thống thiết bị thực hành đạt chuẩn quốc tế với đội ngũ giảng viên trình độ chuyên môn cao, đạt chuẩn kỹ năng tay nghề theo quy định. Ngoài ra, nhà trường còn đưa các chương trình kỹ năng “mềm” như: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thiết lập mối quan hệ, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng xử lý than phiền khách hàng… vào giảng dạy. Bên cạnh đó, Trung tâm tư vấn việc làm và hỗ trợ học sinh sinh viên của trường đã  chủ động liên kết, hợp tác với gần 50 doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Du lịch - Thương mại Nghệ An thực hành chế biến món ăn.
Bình quân mỗi năm Trường Cao đẳng nghề Du lịch - Thương mại Nghệ An giới thiệu việc làm cho gần 1.000 người (trong đó, có 700 lao động làm việc trong nước, gần 300 người xuất khẩu lao động và thực tập nước ngoài), đặc biệt là các thị trường ASEAN và châu Á như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc... Nhờ đó, gần 90% học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường  có việc làm và thu nhập ổn định. 

Để nâng cao chất lượng đào tạo, sẵn sàng cho hội nhập ASEAN, những năm qua, một số trường cao đẳng nghề  trên địa bàn tỉnh  đã tích cực chủ động tìm hiểu, phát triển liên kết đào tạo nghề với các tổ chức, các nước trong khu vực và trên thế giới; đồng thời cử giáo viên tham quan, học tập tại nước ngoài để nâng cao trình độ chuyên môn cũng như khả năng ngoại ngữ, từ đó đổi mới phương pháp dạy nghề phù hợp với hội nhập, hợp tác quốc tế. 

Năm học 2015 - 2016, Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng đã tăng cường hợp tác toàn diện với 2 cơ sở đào tạo của Nhật Bản là Học viện công nghệ thông tin ISEIFU  OSAKA và Trường trung cấp Xây dựng SYUSEI  OSAKA - đưa học sinh, sinh viên sang học tập và làm việc. Bên cạnh đó, nhà trường cũng hợp tác với Trường Cao đẳng ô tô Ajou thuộc tập đoàn DAEWOO Hàn Quốc để đào tạo chuyên ngành công nghệ ô tô cho các du học sinh của trường.
Trường CĐ nghề số 4 - BQP tham quan, hợp tác với Học viện Công nghệ thông tin ISEIFU (Nhật Bản).
Còn Trường Cao đẳng nghề KTCN Việt Nam – Hàn Quốc thường xuyên tổ chức cho giáo viên đi học tập nghiên cứu tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Maylaysia, Austraylia và liên kết đào tạo với các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho học sinh thực tập và tìm cơ hội việc làm sau tốt nghiệp như: Công ty đóng tàu Hyundai tại Quy Nhơn; Công ty Samsung tại Bắc Ninh; Công ty Posco tại Vũng Tàu; Tập đoàn Hồng Hải Đài Loan, Tập đoàn Formusa Hà Tĩnh; Công ty BSE, Emtech, Haivina Kim Liên… 
Song song với đó, các trường cũng đẩy mạnh tuyên truyền cho học viên về hội nhập ASEAN và cơ hội việc làm để các em nâng cao ý thức học tập, rèn luyện.
Còn nhiều thách thức
Đến hết tháng 9/2015, các trường nghề trên trên địa bàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề cho 57.883 lượt người, đạt 73,2% kế hoạch năm; theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ học sinh Nghệ An tốt nghiệp trường nghề tìm được việc làm hàng năm đạt từ 85 - 87%.
Tuy vậy, hiện nay tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh mới chỉ đạt xấp xỉ 55%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề là 46%. Trong số các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, ngoài 3 trường Cao đẳng Nghề Du lịch - Thương mại, Cao đẳng Nghề số 4 Bộ Quốc phòng và Cao đẳng Nghề KTCN Việt Nam - Hàn Quốc là đã chủ động liên kết quốc tế trong đào tạo nghề thì các cơ sở còn lại mới chỉ dừng lại ở việc liên kết đào tạo, giải quyết việc làm cho học viên với các doanh nghiệp trong nước. Mặt khác, theo đánh giá chung, khả năng về ngoại ngữ và kỹ năng giao tiếp – những phẩm chất quan trọng trong thời kỳ hội nhập của các học viên còn nhiều hạn chế.
Giờ thực hành nghề hàn của học sinh Trường CĐ nghề KTCN Việt Nam - Hàn Quốc
Thầy Nguyễn Duy Nam  - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề KTCN Việt Nam - Hàn Quốc, thừa nhận: “Phần nhiều học sinh, sinh viên chỉ chú trọng đến nâng cao tay nghề, muốn có một công việc trong tỉnh hoặc trong nước chứ không nghĩ đến các cơ hội việc làm ở nước ngoài nên không chú tâm đến trình độ ngoại ngữ”. Còn ông Hồ Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: “Điều dễ nhận thấy, lao động đến tìm việc qua các phiên giao dịch việc làm, kể cả sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng hay học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường nghề là trình độ ngoại ngữ, kỹ năng trả lời phỏng vấn rất kém. Điều này khiến cho số lao động tìm được việc ở các phiên giao dịch việc làm chỉ chiếm khoảng 6 - 7%, và nếu tìm được việc thì cũng là những công việc có thu nhập thấp”. 


Ông Đặng Cao Thắng – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Cộng đồng ASEAN ra đời sẽ có thêm 14 triệu việc làm cho khu vực ASEAN đến năm 2025. Những năm qua, nhiều thành viên của ASEAN như Singapore, Malaysia hay Thái Lan luôn chú trọng đến chương trình đào tạo nghề lao động chất lượng cao, do đó rất có thể nhiều lao động có kiến thức, kỹ năng và sức khỏe tốt hơn từ các nước trong khu vực sẽ vào Việt Nam, tạo sự cạnh tranh khốc liệt. Thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ rà soát lại các cơ sở đào tạo nghề, đặc biệt là đối với các cơ sở đào tạo nghề trọng điểm, từ đó có chiến lược đầu tư phù hợp, tập trung đào tạo lao động có trình độ cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và hội nhập ASEAN, quốc tế; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh phân luồng đào tạo và phổ cập giáo dục nghề nghiệp cho thanh niên. Việc định hướng nghề nghiệp cho thanh niên cùng với chất lượng đào tạo tốt sẽ góp phần hạn chế được tác động tiêu cực từ việc hội nhập”. 

Minh Quân

TIN LIÊN QUAN