“Cách đây một năm đoàn công tác của Bộ NN&PTNT sang Thái Lan thăm một trang trại trồng dưa hấu. Hỏi chủ trang trại đó biết lợi-hại gì khi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành vào năm 2015, chủ trang trại trả lời đã biết cách đây hai năm rồi”. Ông Nguyễn Ngọc Luận, Chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn ASEAN (SABC), kể. Trong khi đó kết quả khảo sát của SABC thì có gần 80% doanh nghiệp (DN) Việt chưa biết gì nhiều về AEC. Liệu đây có là nguy cơ DN Việt bị đẩy ra khỏi sân chơi lớn trong thời gian tới?
Tay không bắt giặc?
Tại Thái Lan, nông dân hiểu rành về AEC nên họ có sự chuẩn bị, cải tiến về chất lượng, giá cả ổn định… sao cho ngay cả người dân trong nước cũng ủng hộ sản phẩm đó. Còn DN Việt không có sự chuẩn bị thì làm sao cạnh tranh, ông Luận băn khoăn.
Cùng quan điểm trên ông Robert Trần, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robenny Canada, chia sẻ DN Việt còn khá chủ quan trước thềm hội nhập. Kết quả khảo sát sự hiểu biết của DN Việt và người làm về AEC, có đến 43% người nói họ chưa từng nghe đến hoặc chưa biết tới AEC. Có người cho biết họ có hướng kinh doanh riêng nên không quan tâm AEC hay WTO và cho rằng đó là việc của Chính phủ!
Chưa có sự chuẩn bị, hàng hóa Việt Nam khó cạnh tranh với hàng hóa các nước khác. Ảnh minh họa
 Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho biết chưa có thống kê cụ thể nhưng khảo sát các hội ngành nghề quận, huyện đa phần các DN vừa và nhỏ có biết đại khái về AEC nhưng rất mù mờ. Chỉ có DN nào đang kinh doanh ở thị trường ASEAN thì mới quan tâm.
Một DN trong ngành hóa mỹ phẩm cho rằng hiện công ty cũng đang kinh doanh ở một số nước trong khối ASEAN. Họ có biết về AEC nhưng đang chờ đến cuối năm xem tình hình thế nào, đến lúc đó tính tiếp.
Đại diện Công ty May túi xách MT cho hay vẫn chưa nắm nhiều thông tin về AEC. Hiện nay sản phẩm của DN chủ yếu là cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Nếu hội nhập sâu chắc chắn DN sẽ bị cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại như Thái Lan. Do đó DN sẽ tập trung vào thị trường nội địa, giữ vững và mở rộng kênh phân phối của mình.
Một số DN (không muốn nêu tên) tự nhận họ có rất ít thông tin và lúng túng khi tìm hiểu lộ trình xây dựng AEC. DN vẫn loay hoay tìm kiếm thông tin. Trong khi đó các DN ASEAN đã chuẩn bị cho AEC 2015 từ nhiều năm, điển hình như thương vụ một tập đoàn Thái Lan đã mua lại Metro.
Có nên tự tin vào ưu thế của mình?
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Food, cho biết khi Việt Nam hội nhập sâu rộng là cơ hội để nhiều sản phẩm của DN đến với người tiêu dùng (NTD) hơn và hàng Việt có cơ hội giới thiệu ra các nước. Trong ngành thực phẩm, NTD dễ thay đổi và ưa chuộng cái mới. Việt Nam đa số là DN vừa và nhỏ nhưng nếu họ biết tận dụng điểm yếu để biến thành lợi thế, thay đổi linh hoạt, tạo những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của NTD sẽ nhanh hơn so với các tập đoàn đa quốc gia.
Ông Nguyễn Tấn Thọ, Giám đốc xuất khẩu Công ty QP (sản xuất bàn ghế nhựa, tủ nhựa), cho biết DN nước ngoài vào ta cũng bị rào cản văn hóa, không am hiểu bằng DN mình, cũng giống như DN Việt khi tiếp cận thị trường nước ngoài phải tìm hiểu văn hóa của họ. Chẳng hạn NTD nội địa ưa chuộng tủ nhựa có hình nhân vật hoạt hình nhưng khi xuất sang một số nước Hồi giáo họ không chịu những hình đó, mình phải thay đổi mẫu mã cho phù hợp. Quan trọng là DN chọn đúng phân khúc và đi đúng hướng, mỗi DN phải biết thế mạnh của mình và duy trì theo hướng đó.
Theo ông Robert Trần, chắc chắn DN Việt sẽ hiểu văn hóa Việt nhưng những DN nước ngoài vào Việt Nam cũng toàn thuê người Việt làm nên khoảng cách văn hóa không còn là vấn đề.
Không nên bỏ qua thị trường ASEAN
Chậm chân trong chuẩn bị khi hội nhập, tương lai DN sẽ như thế nào? Chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến cho rằng số DN khó khăn, thậm chí phải thu hẹp hay rời bỏ cuộc chơi sẽ gia tăng.
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, AEC chỉ đứng vị trí thứ tư trong các thị trường xuất nhập khẩu của DN Việt. Trong khối này DN Việt cạnh tranh kém cả về chất lượng, giá cả nên DN cũng không hào hứng với thị trường này. Ông Trịnh Minh Anh, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế quốc tế, cho biết có những DN quan tâm đã đầu tư sang các nước ASEAN rồi. Một số DN không quan tâm cho rằng ASEAN là thị trường nhỏ, chỉ thích các thị trường châu Âu, Mỹ... là không nên. DN Việt tiềm lực tài chính có hạn, sân chơi khu vực rất quan trọng. Đó có thể là cầu nối để DN bước sang thị trường lớn hơn.
Các DN cho rằng Nhà nước cần chủ động và linh hoạt hơn trong việc phổ biến các thông tin và lộ trình xây dựng AEC để DN có các điều chỉnh hợp lý trong chiến lược sản xuất, kinh doanh. Đại sứ quán, lãnh sự quán, tham tán thương mại… cần chủ động hỗ trợ DN thông tin về thị trường, luật lệ thương mại quốc tế… Cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ DN hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển đồng bộ, liên thông thị trường lao động khu vực cả về quy mô, chất lượng và cơ cấu ngành nghề.
Hỗ trợ DN hội nhập AEC
Theo CLB Doanh nhân Sài Gòn ASEAN (SABC), hiện CLB có hẳn một ban về ASEAN để hỗ trợ cho DN. Những buổi nói chuyện về chủ đề hội nhập giúp hội viên nắm và biết được ngành nghề của họ cần chuẩn bị gì. Theo lộ trình, trong năm 2015 có đến 1.700 mặt hàng thuế suất giảm về 0, năm 2018 có thêm 5.000 mặt hàng thuế cũng về 0 (trong đó có ngành ô tô). DN nào liên quan, ảnh hưởng ra sao, làm sao để tồn tại... CLB hỗ trợ rất hiệu quả.
Mất việc nếu mơ hồ trong hội nhập
Về cơ hội việc làm, năm 2015, có một số ngành nghề ký kết trong AEC (nha khoa, kế toán, du lịch, kỹ sư, y tá, điều tra viên… - PV). Theo đó người lao động sẽ được tự do luân chuyển trong AEC, không chỉ DN vừa và nhỏ mà những người đi làm nếu chủ quan cũng có nguy cơ bị mất việc vì trình độ lao động các nước cao hơn.
Ông Robert Trần, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tư vấn 
chiến lược Robenny Canada

Theo PLO

TIN LIÊN QUAN