(Baonghean) - Sáng nay 28/11, dưới sự chủ trì của đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Hội nghị triển khai Nghị quyết 271/NQ-UBTVQH13 về một số cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội đã được tổ chức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Về phía Nghệ An có đồng chí Phạm Văn Tấn – Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì.  Nghị quyết 271/NQ-UBTVQH13 vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, nhiệm kỳ 2011-2016. Theo đó, yêu cầu cải tiến, đổi mới ở tất cả các khâu, trong đó việc tổ chức kỳ họp Quốc hội phải chỉ đạo chuẩn bị sớm các nội dung thuộc chương trình kỳ họp. Riêng việc chuẩn bị các báo cáo, dự án, tờ trình cần được xây dựng đảm bảo chặt chẽ, có chất lượng và tập trung trình Quốc hội thảo luận, quyết định những vấn đề, nội dung quan trọng, những nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau; đồng thời gửi cho các đại biểu có thời gian nghiên cứu trước khi dự họp. Nội dung chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ sớm lựa chọn một số nhóm vấn đề nổi lên và dự kiến danh sách những người trả lời chất vấn tại hội trường gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, tiến hành chất vấn từng nhóm vấn đề, có đối thoại, tranh luận về từng vấn đề và yêu cầu câu hỏi chất vấn phải lên quan đến nhóm vấn đề đang chất vấn, ngắn gọn, rõ ý, không giải thích dài hoặc chỉ hỏi thông tin; người trả lời chất vấn phải ngắn gọn, trực tiếp vào nội dung câu hỏi mà đại biểu đặt ra.  

Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết 271/NQ-UBTV QH Khóa XIII ảnh 1

Ngoài ra, Nghị quyết cũng đã đặt ra việc cải tiến, đổi mới trong tổ chức phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trong hoạt động của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; hoạt động tiếp xúc cử tri; trong việc cung cấp thông tin phục vụ đại biểu Quốc hội; công tác bảo đảm tài chính.  Tại hội nghị trực tuyến, các đại biểu đã đồng tình cao với tinh thần của Nghị quyết, đồng thời bày tỏ một số kiến nghị, như cần phát huy hơn nữa trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc soạn thảo các dự án luật được trình Quốc hội; cân đối lại thời gian thảo luận các dự án tại hội trường; có những dự án luật khi thảo luận tại hội trường như Luật Lao động (đây là luật chi phối đến hầu hết các tầng lớp trong xã hội) cần các truyền hình trực tiếp cho nhân dân biết; nâng cao năng lực cho thư ký của các tổ để có thảo luận tại tổ được tổng hợp một cách súc tích và hiệu quả nhất. Thời gian chất vấn đảm bảo theo quy định. Về phía chủ tọa chỉ nên cho phép 3 – 5 đại biểu nêu câu hỏi chất vấn một lần để người trả lời dễ nhóm vấn đề và trả lời đủ ý. Mặt khác, tăng cường hoạt động điều trần, làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn. Hoạt động tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội tại địa phương, yêu cầu có lãnh đạo địa phương cùng tham gia, bởi các vấn đề cử tri kiến nghị, đề xuất có tới 80 – 95% thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương.

Minh Chi