Chủ động phương án bầu cử trong điều kiện dịch bệnh bùng phát và thiên tai
Tại hội nghị, sau phần khai mạc của đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, hội nghị đã được nghe đồng chí Phạm Văn Hùng - Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại Thông tư số 01/2021/TT-BNV, ngày 11/01/2021.
Trong đó, tập trung hướng dẫn việc thành lập, cơ cấu, thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương; phân công nhiệm vụ thành viên tổ chức phụ trách bầu cử; hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử và trách nhiệm của các thành viên tổ chức phụ trách bầu cử; thực hiện chế độ báo cáo tiến độ thực hiện công tác bầu cử của các tổ chức phụ trách bầu cử.
Trong trường hợp dịch bệnh bùng phát phải cách ly xã hội, thiên tai, bão lũ dẫn đến địa hình bị chia cắt, Ủy ban bầu cử cấp tỉnh phải báo cáo Hội đồng bầu cử Quốc gia xem xét, quyết định phương án tổ chức bầu cử tại những khu vực bị cách ly hoặc chia cắt.
Các điểm cầu cũng được hướng dẫn về nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử liên quan đến việc bố trí địa điểm bỏ phiếu; hòm phiếu; tài liệu; con dấu; các công việc thực hiện trước, trong ngày bầu cử của Tổ bầu cử.
Công tác kiểm kê, kiểm tra và phân loại phiếu bầu, kiểm đếm số phiếu bầu cho từng người ứng cử; niêm phong và quản lý phiếu bầu sau khi kiểm phiếu…
Hướng dẫn mẫu hồ sơ ứng cử, mẫu phiếu bầu cử, nội quy phòng bỏ phiếu và các mẫu văn bản sử dụng trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo Nghị quyết số 41/NQ-HĐBCQG, ngày 18/01/2021 của Hội đồng bầu cử Quốc gia.
Kiên quyết không để những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội
Cũng tại hội nghị, các điểm cầu được nghe đại diện Ban Tổ chức Trung ương giới thiệu Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW, ngày 20/01/2021 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Trong đó nhấn mạnh, không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ việc, tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết…
Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội.
Điểm mới về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 được quy định cụ thể đối với đại biểu chuyên trách. Cụ thể, ngoài đảm bảo các tiêu chuẩn chung của đại biểu được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì người ứng cử đại biểu Quốc hội chuyên trách để làm phó trưởng đoàn ở địa phương phải có trình độ đào tạo đại học trở lên; là Tỉnh ủy viên, đang giữ chức danh giám đốc sở hoặc tương đương trở lên và nằm trong một số quy hoạch.
Tương tự, cán bộ ứng cử Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã cũng được cụ thể hóa một số tiêu chuẩn cụ thể.
Hội nghị cũng đã dành thời gian giải đáp một số vấn đề kiến nghị của các địa phương liên quan đến tiêu chuẩn người ứng cử; tổ chức hội nghị hiệp thương, hội nghị giới thiệu người ứng cử và hội nghị cử tri trong vùng có dịch Covid-19; việc lập danh sách cử tri những người nước ngoài ở trong vùng cách ly tập trung; trường hợp người được giới thiệu ứng cử bị nhiễm Covid-19…