Viện Hải dương học cho rằng hiện nay những đề tài nghiên cứu về biển ở nước ta khá dàn trải, thiếu tính hệ thống.
Ngày 12/9, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Viện Hải dương học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội nghị Quốc tế Biển Đông năm 2012 với sự tham gia của gần 200 nhà khoa học thuộc 14 quốc gia.
Hơn 150 báo cáo, đề tài nghiên cứu khoa học trình bày tại Hội nghị đã đánh giá lại chặng đường 90 năm hoạt động trên vùng biển Việt Nam và vùng lân cận của Viện Hải dương học. Các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất định hướng phát triển nghiên cứu biển và các chương trình hợp tác giữa Việt Nam với quốc tế.
Theo đánh giá của Viện Hải dương học, hiện nay, những đề tài nghiên cứu về biển ở nước ta khá dàn trải, thiếu tính hệ thống. Do đó, cần có chiến lược nghiên cứu biển một cách đồng bộ và mục tiêu cụ thể để phát huy tiềm năng của một quốc gia có thế mạnh về biển. Cũng tại Hội nghị này, Viện Hải dương học Nha Trang đã giới thiệu đến các nhà khoa học quốc tế các thành tựu nghiên cứu khoa học về vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của các thế hệ nhà khoa học trong suốt 90 năm hình thành, phát triển.
Tiến sỹ Võ Sĩ Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang chia sẻ: “Bạn bè quốc tế họ sẽ có bức tranh hệ thống về những gì Viện Hải dương học đã làm, về Trường Sa, Hoàng Sa, về những điều mà chúng ta đã đạt được. Đây là cơ hội mà các nhà khoa học quốc tế không dễ gì có được thông tin một cách đầy đủ về nghiên cứu của chúng ở Trường Sa, Hoàng Sa ngay từ những năm 20, 30. Đó là những kết quả bước đầu rất tốt cho hoạch định chính sách khai thác tài nguyên biển.”/.